NSND Bạch Tuyết: "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu không đáng bị chỉ trích

Mỵ Lương (thực hiện) Thứ năm, ngày 06/01/2022 09:00 AM (GMT+7)
"Mang tiền về cho mẹ" của rapper Đen Vâu được NSND Bạch Tuyết – người được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” thể hiện theo phiên bản vọng cổ đã gây “sốt” với khán giả. Chia sẻ Dân Việt, nữ nghệ sĩ gạo cội hé lộ góc nhìn khác của bà khi ca khúc của Đen Vâu bị cho là thực dụng, cổ vũ lối sống vật chất…
Bình luận 0

Ca khúc Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu đến thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên độ "hot" ở vị trí Top 1 thịnh hành trên YouTube với hơn 20 triệu lượt xem sau 6 ngày phát hành. Tưởng chừng ca khúc nhạc rap này của rapper Đen Vâu chỉ dừng lại ở việc lan tỏa cảm xúc, suy nghĩ đến những người trẻ đang đi học, những đứa con đi làm xa nhà.

Sản phẩm nhạc rạp mở màn trong năm 2022 của Đen Vâu còn đánh thức những cảm xúc về tình mẫu tử trong sâu thẳm trái tim của NSND Bạch Tuyết. Vì thế nữ nghệ sĩ ở tuổi U80 đã trăn trở trong việc sáng tạo, "khoác tấm áo mới" cho ca khúc Mang tiền về cho mẹ phiên bản vọng cổ.

Trò chuyện với Dân Việt trong những ngày đầu năm mới 2022, NSND Bạch luôn thường trực nụ cười mãn nguyện vì bà như đã hoàn thành điều ước của mình là "mang tiền về cho mẹ" trong tâm tưởng cũng như góp phần "tiếp lửa", cổ vũ cho thế hệ các ca sĩ trẻ như Đen Vâu.

Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu không đáng bị chỉ trích

"Mặc tấm áo mới" cho ca khúc Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu bằng cải lương, chắc hẳn NSND Bạch Tuyết phải rất tâm đắc với tác phẩm này?

- Tôi đã theo dõi nhạc rap từ rất lâu rồi chứ không hẳn chỉ có Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu. Tôi muốn thông qua đó để thấy được hơi thở của thời đại. Bởi, tôi nhận thấy ở đa số các bản nhạc rap mang những khát khao, hoài bão ở con người trong xã hội điện đại. 

Phải thừa nhận rằng, người nghệ sĩ tạo ra những bản nhạc rap rất khéo sử dụng tiếng Việt. Họ là những người trẻ nhưng cách họ sử dụng tiếng Việt rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, nội dung của những bản nhạc rap như Mang tiền về cho mẹ vừa cho thấy những khát khao về sự thiện lương, khát khao đi tìm kiếm cuộc sống và những giá trị tốt đẹp của con người thời nay.

img
img

NSND Bạch Tuyết cho rằng, Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu không đáng bị chỉ trích. (Ảnh: FBNV)

Một điều nữa, tôi nhận thấy ở nghệ thuật cải lương cần có ngôn từ mới để "nói chuyện" với thời đại này. Ba Năm Châu (cố nghệ sĩ cải lương Năm Châu – PV) có dạy rằng: "Nghệ thuật vị nhân sinh" nên nếu không phải vì cuộc đời thì người làm nghệ thuật cũng trở nên vô nghĩa.

Cho nên, khi tôi theo dõi các ca sĩ trẻ như Đen Vâu, tôi rất thích thú vì sự tươi mới ở bạn trẻ này. Tôi thấy mình được sống trong nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật của thời đại này. Cảm xúc, góc nhìn của tôi có lẽ giống như thời điểm tôi mới bắt đầu được nghe giai điệu trong những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trước đây. Chính bản thân người nghe cũng muốn khoác lên cho mình góc nhìn, suy nghĩ, thưởng thức nghệ thuật mới cho hợp với thời đại.

Vì vậy, tôi nghĩ, bản thân không có lý do gì để từ chối những tác phẩm âm nhạc của thế hệ trẻ. Lắng nghe họ để biết họ đang sống như thế nào? Họ suy nghĩ về thời cuộc ra sao? Và tôi muốn xem bản thân có thể làm gì để giúp đỡ, nâng bước họ?

Và trong khi giúp được họ, tôi cũng nhận được là những điều mới mẻ của cuộc sống, giúp tôi làm cho nghệ thuật cải lương mới mẻ hơn, khỏe khoắn hơn để đáp ứng được nhu cầu của thời đại 4.0.

Vì sao NSND Bạch Tuyết lựa chọn ca khúc nhạc rap Mang tiền về cho mẹ giữa "rừng" nhạc rap hiện nay?

- Biến cố lớn trong cuộc đời là tôi mất mẹ từ năm tôi 8 tuổi. Sau đó, tôi đã được gia đình gửi vào nơi nội trú của các bà sơ và được học những điều tốt đẹp. Đến năm 16 tuổi, tôi làm đào chính và gặt hái được những thành công. Tuy nhiên, trong sâu thẳm con người tôi vẫn có nỗi niềm khi không có mẹ để sẻ chia như nhiều người.

Góc khuất cuộc đời NSND Bạch Tuyết với mong ước “Mang tiền về cho mẹ” - Ảnh 3.

"Điều tôi ước ao, tôi mong mỏi được… mang tiền về cho mẹ mà cũng không làm được", NSND Bạch Tuyết chia sẻ với Dân Việt. (Ảnh: FB Đen Vâu)

Khi nghe Mang tiền về cho mẹ và cảm nhận, tôi càng ngẫm và càng thấu. Nhiều khi vui, buồn nhưng tôi không biết nói với ai. Cho nên, tôi thấy những người được sống trong gia đình có mẹ cha đầy đủ, tôi ngưỡng mộ họ lắm! Tôi vẫn thường khuyên họ hãy sống tử tế, sống có trách nhiệm với đấng sinh thành. Đó là điều tôi ước ao, tôi mong mỏi được… mang tiền về cho mẹ mà cũng không làm được.

"Mang tiền về cho mẹ" phiên bản vọng cổ do NSND Bạch Tuyết thể hiện. (Nguồn: YouTube NSND Bạch Tuyết)

Mất bao lâu để NSND Bạch Tuyết nghiên cứu, thêm nếm "gia vị" để tạo ra Mang tiền về cho mẹ phiên bản vọng cổ?

- Để tạo ra ca khúc Mang tiền về cho mẹ phiên bản vọng cổ với tôi không có gì là khó. Bởi, hơn 60 năm tôi đã sống với nghệ thuật cải lương. Bổn phận của tôi là làm cho nghệ thuật cải lương phát triển một cách trọn vẹn. Khi đã có sự hiểu biết về nghề, đặt tấm lòng của mình vào đó và được làm việc bản thân yêu thích thì mọi chuyện trở lên dễ dàng (cười).

Ca khúc Mang tiền về cho mẹ theo phiên bản vọng cổ của NSND Bạch Tuyết vừa ra mắt khán giả vào ngày 3/1 vừa qua đã thu hút hơn 89 nghìn lượt xem, hơn 3,8 nghìn lượt yêu thích, bình luận tích cực trên kênh YouTube: "Đúng là người nghệ sĩ xứng danh "Cải lương chi bảo" đã không ngừng mang hơi thở hiện đại để tô điểm cho cải lương đầy sức sống"; "Lời và giai điệu kết hợp với giọng ca tuyệt vời của NSND Bạch Tuyết đã lột tổ được hết cung bậc cảm xúc, tâm sự của những người con đối với đấng sinh thành khi dịp Tết đến Xuân về. Nghe cô hát mà nước mắt tôi tuôi trào"; "Mang tiền về cho mẹ phiên bản vọng cổ của cô Bạch Tuyết đong đầy cảm xúc. Sự kết nối giữa âm nhạc hiện đại và nghệ thuật cổ truyền này quá tuyệt vời, lắng đọng"…

Điều gì khiến bà thích thú, trăn trở ở tác phẩm Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu?

- Ở phần ca từ ca khúc Mang tiền về cho mẹ, tôi nhận thấy những nét đặc trưng trong việc sử dụng từ ngữ của người dân miền Bắc. Tôi thấy hay và rất thích với sự làm mới tiếng Việt này mà không đâu kiếm ra được.

Đen viết: "Nếu không có mẹ, con cũng chỉ là đồ bỏ mà thôi/ Sẽ không có nề có nếp dù đặt mình ở cái chõ đồ xôi/ Cái máy tính mà con thu âm mấy bài đầu, mẹ đổi bằng nhiều ngày đổ mồ hôi/ Giờ con đã đi làm và con kiếm tiền về, mẹ chỉ cần ngồi đó mà xơi/ Ôi những ngày xám ngoét, gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so/ Có khi mẹ ngất giữa đường vì cả ngày chẳng có gì no/ Mẹ không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo…"

Thực tế, mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng từ hò, vè, quan họ, cải lương… Tôi nhận thấy hiếm có quốc gia nào giàu có, phong phú về văn hóa và tuyệt vời như Việt Nam. Thậm chí, những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể với phần nội dung đậm tính nhân văn, thực tế.

Với ý kiến cho rằng, ca khúc Mang tiền về cho mẹ thực dụng, khuyến khích mọi người chỉ được "mang tiền về cho mẹ chứ đừng mang ưu phiền về cho mẹ", cổ vũ lối sống vật chất… Quan điểm NSND Bạch Tuyết thế nào?

- Tôi nghĩ khi sáng tạo ra ca khúc Mang tiền về cho mẹ, Đen Vâu gửi thông điệp về sự hiếu thảo, trách nhiệm của người con không chỉ nằm ở số tiền sẽ mang về cho mẹ được nhiều hay ít. Điều cốt lõi ở chỗ đứa con đó đã cố gắng kiếm những đồng tiền lương thiện ở thời điểm khó khăn trong cuộc sống và mang về dành cho đấng sinh thành.

Mặt khác, không ai sống trong đời mà không bị phỉ báng, oan ức, oan khuất, không bị nói nặng - nói nhẹ, không bị đuổi đánh, không ai sống trên đời mà có một cuộc đời yên ổn, bình lặng. Với hơn 60 năm làm nghệ thuật, tôi nhận ra rằng, nếu trời đất cho mình nhiều hơn người bình thường thì có lẽ "gạch đá" bản thân phải nhận được cũng phải hơn người bình thường. Đó là quy luật cuộc sống nên tôi không thấy đó là điều đáng buồn. Và tôi nghĩ với Đen Vâu cũng vậy!

Mặt khác, một tác phẩm nghệ thuật ra đời nếu không có những ý kiến đối lập, khiến cho người nghe "lời qua tiếng lại", suy nghĩ, trăn trở thì tác phẩm đó chưa chắc đã đạt được hiệu quả như mong đợi.

Về việc ca khúc Mang tiền về cho mẹ có nhằm cổ vũ cho lối sống vật chất, thực dụng hay không thì tôi nghĩ nằm ở cách nhìn nhận của mỗi người. Tôi lấy ví dụ, bản thân tôi, nếu đi làm xa nhà thì chắc chắn tôi cũng mong muốn được tặng mẹ một gói quà, một chiếc khăn… và tất cả những thứ đó dù nhỏ nhất cũng phải mua bằng tiền.

Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu nhấn mạnh, đồng tiền đứa con kiếm được là đồng tiền lương thiện. Đồng tiền không có tội tình gì hết, vấn đề ở chỗ là người kiếm ra đồng tiền đó như thế nào, người kiếm ra đồng tiền đó bằng cách nào mà thôi.

Thực tế, con người với phần thân xác được nuôi và phần hồn được dưỡng bởi cha mẹ. Nếu không có tiền thì làm sao nuôi lớn được một con người. Từ trước đến nay, ba mẹ chúng ta đi làm cực khổ để lấy tiền nuôi lớn những đứa con của mình mà. Cho nên, nếu ba mẹ chỉ nuôi con bằng tình cảm thì không đủ.

Góc khuất cuộc đời NSND Bạch Tuyết với mong ước “Mang tiền về cho mẹ” - Ảnh 6.

Chia sẻ với Dân Việt, NSND Bạch Tuyết quan niệm: "Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu gửi thông điệp về sự hiếu thảo, trách nhiệm của người con không chỉ nằm ở số tiền sẽ mang về cho mẹ được nhiều hay ít. Điều cốt lõi ở chỗ đứa con đó đã cố gắng kiếm những đồng tiền lương thiện ở thời điểm khó khăn trong cuộc sống và mang về dành cho đấng sinh thành".

"Tôi quý Đen Vâu vì ở bạn trẻ này có sự trưởng thành"

Được biết, Đen Vâu đã gửi lời nhắn nhủ đến NSND Bạch Tuyết ngay sau khi nghe ca khúc Mang tiền về cho mẹ phiên bản vọng cổ. Bà nhìn nhận Đen Vâu là người như thế nào?

- Đen Vâu là một bạn trẻ rất văn hóa, lịch sự, đáng trân trọng. Hành xử của bạn hơn cả điều tôi đã tưởng tượng, mong đợi. Bởi, trong bối cảnh xã hội ngày nay, nhiều người lên mạng lan truyền những tin tức tiêu cực, họ sẵn sàng "bốp chát" và muốn nói những điều mình thích mặc kệ người khác bị tổn thương…

Tôi quý Đen Vâu vì ở bạn trẻ này có sự trưởng thành, sớm va chạm với cuộc sống ngoài đời nên bạn sống rất thực tế, bươn chải kiếm đồng tiền chân chính bằng công sức của mình để lo cho cha mẹ. Tôi thật sự xúc động khi nghĩ về một đứa con ra ngoài đời nỗ lực, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình và báo hiếu đấng sinh thành.

img
img
img

NSND Bạch Tuyết quý mến rapper Đen Vâu vì sự trưởng thành, lịch sự, đáng trân trọng... (Ảnh: FB Đen Vâu)

"Vì ba mẹ con không rành công nghệ, lại cũng không dám gọi điện làm phiền cô, nên con xin phép gửi lời cảm ơn của ba mẹ con đến cô, người Nghệ sĩ của nhân dân, người giữ gìn văn hóa Việt. Ba mẹ con lớn lên bằng những điệu hát của thế hệ các cô, các chú, bây giờ nhận được món quà này thật không điều gì có thể diễn tả được niềm hạnh phúc…

Vì khoảng cách địa lý, không thể đến tận nhà, nên gia đình con xin gửi lời cảm ơn và kính chúc sức khỏe đến cô, mong cô luôn mạnh khỏe để khán giả của cô còn được tiếp tục tận hưởng những lời ca tiếng hát ngọt ngào sâu lắng của cô ạ!", Rapper Đen Vâu đã gửi lời đến NSND Bạch Tuyết sau khi Mang tiền về cho mẹ phiên bản vọng cổ được ra mắt.

Để có được một đứa con ngoan như vậy thì có lẽ ba mẹ, ông bà trong gia đình phải là những người sống đạo nghĩa, sống tốt thì mới giáo dưỡng được một người con tốt như vậy. Và tôi nghĩ, chắc chắn Đen Vâu đã trưởng thành trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa. Điều này càng thôi thúc tôi nên nói cho bạn trẻ này biết rằng, bạn đang làm đúng và sẵn sàng cổ vũ cho bạn.

Nội lực từ đâu mà nữ nghệ sĩ tuổi ở U80 vẫn giữ cho mình sức bền, phong độ trong giọng ca và cập nhật loạt ca khúc "hot" từ giới trẻ như: Mang tiền về cho mẹ (Đen Vâu); Em gái mưa (Hương Tràm); Lạc trôi (Sơn Tùng M-TP)…

- Có lẽ do tôi được sống trọn với nghệ thuật cải lương và thiền định trong suốt nhiều năm qua đã giúp cho tôi có được sự cân bằng, hơi thở thông suốt, các tế bào não làm việc với sự khỏe khoắn nhất định. Và tôi nghĩ, làm việc ở tuổi U80, U90 cũng là điều bình thường do bản thân mình mà thôi.

Ngoài ra, nhờ cải lương giúp tôi nhận thấy ai cũng đúng, chỉ có mình là tệ thôi (cười). Với người nghệ sĩ khi đã trút bỏ những xiêm y ông hoàng bà chúa trên sân khấu thì bản thân cần học cách sống bình thường như bao người. Tôi học cách yêu thương, trao yêu thương nhiều hơn để cuộc sống tích cực, tâm trí minh mẫn, thông tuệ.

Góc khuất cuộc đời NSND Bạch Tuyết với mong ước “Mang tiền về cho mẹ” - Ảnh 9.

Nhan sắc trẻ trung của NSND Bạch Tuyết ở tuổi U80. (Ảnh: NVCC)

Nhiều người nhận định, NSND Bạch Tuyết là nghệ sĩ cải lương gạo cội hiếm hoi vẫn lắng nghe thế hệ các ca sĩ trẻ, đồng thời lan tỏa, "giữ lửa" nghệ thuật truyền thống trong khi nhiều người vội đánh giá nhạc trẻ hiện này nhiều tác phẩm nhạc "rác", "thảm họa"…?

- Tôi cho rằng, ai nghĩ sao cũng được vì họ có quyền nghĩ, có quyền nói lên những suy nghĩ, đưa ra ý kiến của mình. Vấn đề là những người vội vàng đánh giá người khác thì bản thân họ đã tạo ra những tác phẩm tốt, chất lượng mang đến cho khán giả hay chưa. Bản thân người nghệ sĩ cũng không nên vì sở thích của mình mà cho rằng những suy nghĩ khác mình là không đúng.

Điều người nghệ sĩ cần làm là tiếp thu, đón nhận, học tập, rèn luyện. Với cá nhân tôi sẽ chọn cách gửi lời cảm ơn tất cả những ý kiến khen ngợi, phê phán, trái chiều… để những điều tốt thì tôi tiếp tục phát huy và những điều chưa hoàn thiện thì bản thân sẽ cố gắng hơn nữa.

Riêng với những nghệ sĩ trẻ hiện nay, tôi không vội đưa ra những đánh giá về họ. Bởi, họ kiếm sống nhờ tác phẩm của họ và bản thân mình có lẽ không hiểu hết được những sự cực khổ, gian nan mà họ đã trải qua, đã đánh đổi mới có được.

Trong những ngày đầu năm mới 2022, NSND Bạch Tuyết có mong muốn gửi gắm điều gì?

-Cuộc sống trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho mỗi người chúng ta những suy nghĩ mới. Bản thân tôi không muốn giữ, không muốn giành vì thực tế không ai biết khi nào mình sẽ kết thúc cuộc sống này, khi nào sẽ rời cõi tạm. Cho nên, tôi mong mọi người khi còn có thể sống trên đời thì hãy tốt với nhau, khi còn có thể làm được điều gì có ích cho thế giới này thì hãy chung tay cùng làm.

Với tuổi của tôi, mỗi buổi sáng khi còn có thể thức dậy là tôi đã cảm thấy hạnh phúc và tiếp tục làm việc, làm những điều bản thân yêu thích, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.

Cảm ơn NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ thông tin!

Mang tiền về cho mẹ do Đen Vâu thể hiện. (Nguồn: YouTube Đen Vâu)

NSND Bạch Tuyết (sinh năm 1945) được mệnh danh là "Cải lương chi bảo". Bà từng đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965 và ghi dấu trong lòng khán giả qua nhiều tác phẩm kinh điển như: Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Lục Vân Tiên...

Bạch Tuyết là Tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên tốt nghiệp tại 2 Viện hàn lâm Anh Quốc và Bungaria (1995). Bà được nhà nước vinh danh Nghệ sĩ nhân dân năm 2012.

Là một trong những nữ nghệ sĩ "cây đa, cây đề" của sân khấu cải lương, Bạch Tuyết vẫn không ngừng đổi mới, tìm hiểu và nắm bắt âm nhạc giới trẻ để hội nhập. Những bản "hit" như: Em gái mưa, Đừng hỏi em, Lạc trôi, Người lạ ơi... được bà biến tấu theo phong cách cải lương, vọng cổ thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem