Trong suốt quá trình diễn ra triển lãm (tại 65 Đề Thám, quận I, TP.HCM, kéo dài đến 30-10), "Nhật ký người nông dân" được người xem và giới chuyên môn đánh giá rất tốt, ấn tượng, một cách nhìn mới lạ và một triển lãm hiếm hoi của Việt Nam dùng phong cách nhiếp ảnh ý niệm (concept photography).
|
Tác phẩm “Công cụ” của Phan Quang |
Những bức ảnh của Phan Quang không phụ thuộc vào sự ăn may của khoảnh khắc mà là một sự sắp đặt đầy tuyến tính. Thậm chí có những bức đầy hư cấu và phi lý nhưng nó vẫn chuyển tải được các thông điệp đến người xem.
Xem triển lãm của anh, mỗi người có một cảm nhận khác nhau, nhưng đều chung một ý niệm về sự chuyển dịch giữa nông thôn và thành thị với nỗi trăn trở của Phan Quang: "Khi những đường phân ranh giữa thành thị và đồng quê mờ đi, người Việt Nam có cảm thấy lạc lõng? Khi Việt Nam phát triển, chuyển dịch đi lên công nghiệp từ một nền kinh tế phần lớn là nông nghiệp, người ta có cảm thấy mất mát?".
Sự va chạm, những khó khăn thách thức và cả bi kịch, khát vọng của những người nông dân Việt Nam, thậm chí thấy cả thái độ của họ trước thời cuộc. Những câu chuyện buồn, những khắc khoải, tuyệt vọng… tất cả đều lộ diễn trên các bức ảnh kỹ thuật số, sắp đặt, video, những trang nhật ký trên hệ thống triển lãm.
Triển lãm "Nhật ký người nông dân" của nghệ sĩ Phan Quang, mang tới cho người xem một góc nhìn chân thực về sự thay đổi của nông thôn trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế của Việt Nam. "Nhật ký nông dân, nó bao hàm nhiều ý nghĩa, một trong những ý nghĩa nổi bật đó chính là nhật ký của bản thân tôi, một người nông dân với những ảnh hưởng của cuộc sống thành thị" - anh tâm sự.
Hà Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.