Góc nhìn pháp lý việc bà Trương Mỹ Lan xin bỏ kê biên tòa nhà "là tài sản của con gái"
Góc nhìn pháp lý việc bà Trương Mỹ Lan xin bỏ kê biên tòa nhà "là tài sản của con gái"
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 22/03/2024 06:10 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về việc bà Trương Mỹ Lan đề nghị cho giải tỏa kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ đang cho SCB thuê làm trụ sở chính, vì đây là "tài sản của con gái".
Như Dân Việt đã thông tin, tại phiên tòa chiều 20/3, bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) xin được giải tỏa kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (quận 1, TP. HCM) để giao lại cho con gái, bởi đây là tài sản "mẹ bị cáo mua cho con gái bị cáo".
Tòa nhà này đang cho SCB thuê làm trụ sở nhưng hơn một năm nay SCB không trả tiền thuê nhà, cũng không trả lại nhà nên con gái bà đang "bế tắc".
Trước đó, bà Lan xin HĐXX xem xét việc giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ diện tích gần 3.000 m2 tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3. Đây là căn nhà mẹ bà mua với giá 700 tỷ đồng, nên bà xin giao lại cho con gái và gia đình bà trùng tu để bảo tồn di tích.
Trong phần luận tội ngày 19/3, cơ quan công tố ghi nhận bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tại tòa tự nguyện cam kết dùng các tài sản để khắc phục thiệt hại trong vụ án...
Tuy nhiên, VKS cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng: có vai trò chủ mưu, cầm đầu; phạm tội nhiều lần, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; quá trình điều tra và tại tòa không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền, gây dư luận xấu...
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan mức án 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo bị đề nghị là tử hình.
Nếu là vật chứng vụ án sẽ không được bỏ kê biên
Về việc bà Trương Mỹ Lan xin bỏ kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định của pháp luật, chỉ có những tài sản sử dụng làm công cụ phương tiện phạm tội, những tài sản do phạm tội mà có hoặc là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bị cáo mới có thể kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án về phần bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Còn đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác, không liên quan đến tội phạm phải trả lại ngay cho chủ sở hữu tài sản theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.
Việc đưa ra yêu cầu, đề nghị, cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho quan điểm của mình trong phần tranh tụng là quyền của bị cáo và của người bào chữa. Những nội dung này sẽ được HĐXX xem xét khi nghị án, nếu có căn cứ, có thể được chấp nhận.
Theo ông Cường, trong vụ án hình sự này, ngoài việc xác định các bị cáo có phạm tội hay không, nếu có thì phạm tội gì, áp dụng hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo ra sao, HĐXX cũng sẽ xem xét giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự.
Cụ thể, sẽ làm rõ các tài sản đã bị kê biên, phong tỏa có phải là vật chứng của vụ án hình sự hay không, có phải là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các bị cáo hay không.
Nếu là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của các bị cáo hoặc đủ điều kiện được xác định là vật chứng của vụ án hình sự quy định tại Điều 89 Bộ luật hình sự, mới áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.
Bởi vậy, khi nghị án mà HĐXX thấy những tài sản bị cáo đề nghị trả lại cho người thân của gia đình bị cáo mà không phải là vật chứng của vụ án, cũng không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị cáo, sẽ căn cứ vào Điều 89 và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự để trả lại cho chủ sở hữu tài sản.
Còn nếu những tài sản đó là thuộc sở hữu hợp pháp của bị cáo hoặc được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự, sẽ không trả lại mà sẽ xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.