Góc nhìn pháp lý vụ bắt 2 cán bộ của EVN vì chiếm đoạt tài liệu mật

Quang Minh Chủ nhật, ngày 01/10/2023 15:04 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc mua bán, tiêu hủy hoặc chiếm đoạt những tài liệu mật sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý hành chính của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...
Bình luận 0

2 cán bộ của EVN bị bắt

Như Dân Việt đưa tin, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết ngày 20/9, Cơ quan An ninh Điều tra (Công an TP.Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam về tội Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức quy định tại Điều 342 Bộ Luật Hình sự.

Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với Ngô Thị Tố Nhiên có Dương Đức Việt (SN 1979, chuyên viên cao cấp Ban Quản lý Đầu tư Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia thuộc EVN) và Lê Quốc Anh (SN 1984, Trưởng phòng Phân tích Hệ thống Công ty Tư vấn điện 1), cùng về tội Chiếm đoạt tài liệu của Cơ quan tổ chức.

Theo người phát ngôn Bộ Công an, kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được xác định là năm 2020, Ngô Thị Tố Nhiên biết Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt là những người có quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách, phát triển lưới điện của tập đoàn EVN, lưới điện 500KV, và 200KV.

Góc nhìn pháp lý vụ bắt 2 cán bộ của EVN vì chiếm đoạt tài liệu mật - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Vì vậy, Nhiên đã hợp thức hóa chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt theo hình thức bán thời gian, có trả lương. Hai đối tượng trên đã cung cấp tài liệu liên quan đến EVN cho Ngô Thị Tố Nhiên.

"Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Lê Quốc Anh, Dương Đức Việt đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức. Cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra. 

Sau khi khởi tố, một số cơ quan truyền thông nước ngoài, một số thế lực phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tác, vu cáo Việt Nam bắt giam nhà hoạt động môi trường. Bộ Công an bác bỏ những luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hoàn toàn không có chuyện bắt các nhà hoạt động môi trường.

Đây là việc chiếm đoạt thông tin, tài liệu của tổ chức, cơ quan, vì đây là các tài liệu nội bộ không được chia sẻ, không được công bố công khai. Đây là tài liệu mật", tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Người chiếm đoạt tài liệu mật có thể bị phạt tù

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Chính Pháp) cho hay, đây là khởi đầu của vụ án hình sự liên quan đến trật tự quản lý hành chính, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ các sai phạm khác nếu khó để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc mua bán, tiêu hủy hoặc chiếm đoạt những tài liệu này không những ảnh hưởng đến việc quản lý hành chính của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mà còn có thể là hành vi che giấu tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm.

Hành vi mua bán, hoặc cố ý tiêu hủy, chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức có thể ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Góc nhìn pháp lý vụ bắt 2 cán bộ của EVN vì chiếm đoạt tài liệu mật - Ảnh 2.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Chính Pháp).

Bởi vậy trên cơ sở đánh giá tính chất mức độ hành vi, xác định hậu quả xảy ra đến mức nguy hiểm cho xã hộ cơ quan điều tra sẽ xử lý đối với người vi phạm về tội danh này theo quy định tại Điều 342 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt thấp nhất là 03 tháng tù, mức cao nhất là năm năm tù. Ngoài ra, tội danh này, người vi phạm thể bị là phạt tiền hoặc cải tạo không gian giữ đến hai năm.

Trong vụ án này, theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi phạm tội ở đây là chiếm đoạt hay tiêu hủy tài liệu của cơ quan tổ chức. Động cơ mục đích thực hiện hành vi này là gì? Hành vi có tổ chức hay không, có nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật hay không? Có thu lợi bất chính hay không để làm căn cứ xác định tính chất của vụ án, cũng như làm rõ bản chất của vụ án, xử lý đối với các tổ chức cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Luật sư Cường cho biết thêm, pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ các tài liệu bí mật nhà nước mà còn bảo vệ các tài liệu, con dấu liên quan đến quản lý hành chính nhà nước để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động của cơ quan tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Không phải mọi hành vi tiêu hủy, mua bán, chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức đều bị xử lý hình sự mà chỉ có những hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc quản lý hành chính nhà nước, việc tiêu hủy, mua bán các tài liệu đó là trái pháp luật. 

Các tài liệu vẫn đang trong thời hạn pháp luật quy định phải bảo quản, lưu trữ nhưng đã vi phạm quy định này, gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hành chính hoặc để thực hiện hành vi che giấu tội phạm thì cơ quan chức năng mới xử lý bằng chế tài hình sự. 

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can, làm rõ động cơ mục đích, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem