Góp đất để sản xuất lớn

Thứ năm, ngày 20/09/2012 09:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được sự giúp đỡ của Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD), nhiều hộ dân ở xã Khánh Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã góp đất, thành lập hợp tác xã (HTX) để cùng nhau sản xuất lớn.
Bình luận 0

Mô hình điểm

Một trong những mô hình liên kết “4 nhà” ở Hà Tĩnh mà IFAD đã triển khai và đạt hiệu quả tốt là mô hình góp đất thành lập HTX Chăn nuôi lợn Thống Nhất ở xã Khánh Lộc. Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết: “Được hỗ trợ của của IFAD, Dự án IFAD Hà Tĩnh (IMPP), năm 2011, đã có gần 50 hộ dân trong xã góp đất để thành lập nên HTX Thống Nhất chuyên chăn nuôi lợn.

img
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn nái rất hiệu quả.

Khi tham gia HTX, mỗi xã viên sẽ đóng 4 triệu đồng để làm vốn điều lệ, ngoài ra tùy theo quỹ đất mà mỗi hộ có tỷ lệ góp đất khác nhau. Hiện HTX đã vận động xã viên góp được hơn 2ha đất”. Sau khi các hộ nông dân góp đất, HTX huy động các xã viên vay các nguồn vốn đề đầu tư xây chuồng trại, mua con giống để chăn nuôi. Tới nay, toàn HTX đã có 120 ô chuồng, mỗi ô 40m2, trung bình 1 năm nuôi 3 lứa, mỗi lứa 400 – 500 con. “Năm , chúng tôi đã xuất được 3 lứa, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng/lứa” – bà Nguyệt cho hay.

Theo đánh giá, HTX Thống Nhất đang được xem là mô hình điển hình trong việc liên kết “4 nhà”. Bà Nguyệt cho biết thêm: “Tháng 8.2011, chúng tôi ký hợp đồng nuôi gia công cho Công ty Mitraco. Theo thỏa thuận, công ty sẽ đầu tư cho HTX toàn bộ thức ăn, con giống, tiêu thụ sản phẩm, mọi rủi ro đều do công ty chịu và HTX được hưởng 1.500 đồng/kg lợn”. 

Lứa đầu tiên, HTX đã nuôi 600 con, sau 5 tháng bán lợn, lãi hơn 42 triệu đồng. Ông Phan Văn Biển – Giám đốc Dự án IMPP Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2007, IFAD đã triển khai các dự án hỗ trợ Hà Tĩnh trong việc phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập đời sống của người dân. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai được 97 mô hình, đang tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động”.

Cần nhân rộng mô hình

Chị Đinh Thị Lê - xã viên của HTX Thống Nhất cho hay: “Đầu năm nay HTX đã tự hoạch toán đầu tư và tự lo đầu ra. Chúng tôi vẫn mua giống, thức ăn và bán lợn cho Công ty Mitraco, nhưng giá thì theo thị trường. Làm thế này hơi mạo hiểm, nhưng nếu giá lợn ổn định như năm 2011, có thể lãi gần gấp đôi so với nuôi gia công”.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Đăng Khoa, IFAD đã giúp người dân thay đổi tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp. Mô hình này có thể nhân rộng ra tất cả các xã của Hà Tĩnh và tiến tới nhân rộng ra cả nước.

Theo tính toán của bà Nguyệt, với khoản đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng, nếu làm ăn thuận lợi chỉ sau 3 năm HTX sẽ thu hồi vốn và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là vốn. “Hiện HTX vẫn chưa được vay vốn kinh doanh, nguồn vốn chủ yếu là do các xã viên vay ở các nguồn khác nhau” - bà Nguyệt nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tỉnh đã và đang có kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho các cá nhân, tập thể vay vốn sản xuất với lãi suất thấp (khoảng 4%), với tổng số vốn khoảng 35 tỷ đồng. Về đầu ra của chăn nuôi, Hà Tĩnh cũng đang lập kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm vào cuối năm 2012, với công suất khoảng 1.000 con lợn/ngày. Hy vọng sau khi nhà máy xây dựng xong sẽ giải quyết được một phần lớn đầu ra cho chăn nuôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem