Đổi thay trên vùng đất khóGần 12 giờ trưa, nắng đã gay gắt trên đỉnh đầu, nhưng phải để con cháu chạy lên rẫy gọi, ông Hồ Trung Xanh ở thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa mới chịu về nhà. 82 tuổi nhưng ông vẫn đủ sức gùi 30kg cà phê quả mới hái về đổ phơi tại sân nhà. Anh Nguyễn Văn Phước - cán bộ tín dụng Ngân hàng NNPTNT chi nhánh huyện Hướng Hóa cho biết, gia đình ông Xanh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Niềm vui được mùa cà phê của những cô gái Vân Kiều ở Hướng Hòa.
Biết bao giọt mồ hôi đổ xuống mảnh đất quê hương, cùng với nguồn vốn vay ban đầu chỉ có 5 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT, đã tạo cho gia đình ông Xanh và con cháu một cơ ngơi hiếm có ở vùng đất này. 5 triệu đồng đầu tư vào chăm sóc cà phê, trúng lúc cà phê được mùa những năm 2008 - 2010, gia đình quay vòng vốn, mở rộng diện tích trồng cà phê, trồng thêm tiêu rồi chăn nuôi trâu bò và trả hết nợ vay ngân hàng. Đến bây giờ, gia đình của ông Xanh có tới 400 triệu đồng gửi tiết kiệm.
Cũng đi lên từ những đồng vốn vay ngân hàng nông nghiệp, gia đình anh Hồ Văn Lý ở thôn Của, xã Hướng Tân giờ có nguồn thu nhập ổn định từ cà phê, đàn dê và cả trang trại nuôi cá, gà vịt giao cho cô con gái trông nom. Anh Lý cho biết: “Đầu tiên vay ít là 6 triệu đồng, ngân hàng thấy phát triển tốt cho vay thêm, lên 50 triệu đồng, gia đình có điều kiện đào ao nuôi cá, trồng cà phê. Dê thì đầu tiên vay vốn mua được 4 con, giờ lên 11 con rồi, cả mạ cả con. Cà phê của nhà là 1,1ha, trên núi là 1ha, trồng sát đường bên nhà 6 sào nữa...”.
Chẳng lo bà con không trả nợHiện tại, gia đình anh Lý còn đang dư nợ tại ngân hàng 50 triệu đồng vì vay thêm để đầu tư vào chăm bón cà phê. Năm ngoái, tiền bán cà phê được gần 100 triệu đồng, anh chưa vội trả nợ ngân hàng mà còn bù thêm tiền để mua thêm đất, tiếp tục mở rộng diện tích trồng cà phê. Ông Trương Văn Siêu - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT chi nhánh huyện Hướng Hóa cho biết: Các hộ như gia đình anh Lý ở đây không phải là ít. Có tiền nhưng họ không trả nợ ngân hàng ngay mà lại tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Ngân hàng cũng không lo, bởi bây giờ, bà con dân tộc Vân Kiều ở đây đã có tư tưởng tiến bộ, thay đổi tập quán làm ăn nên dù có vay tín chấp 50 triệu đồng, không có tài sản thế chấp, bà con cũng sớm trả lại ngân hàng khi đến hạn. “Cho vay hộ đồng bào trước đây rất ngại và lo, còn bây giờ thì không lo nữa, vì họ rất có ý thức và trách nhiệm, đảm bảo trả nợ cho ngân hàng. Những năm mất mùa thì gia hạn nợ cho họ, rồi sau bà con sẽ trả lại” – ông Siêu cho hay.
Tính đến hết quý I năm nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của chi nhánh Agribank Hướng Hóa là 317 tỷ đồng với 3.600 hộ vay, trong đó trên một nửa là bà con người Vân Kiều.
|
Về phía ngân hàng, không chỉ cung cấp vốn cho bà con, các cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn như anh Nguyễn Văn Phước còn trực tiếp xuống tận hộ dân bàn cách làm ăn. Quản lý địa bàn 4 xã, nhưng anh Phước biết rõ hộ nào làm ăn ra sao, có bao nhiêu ha trồng cà phê, trồng tiêu, nuôi được bao nhiêu dê, trâu, bò... bởi anh đã gần như người nhà của bà con.
Đa phần là các hộ vay tín chấp với mức 50 triệu đồng theo quy định của Nghị định 41 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hộ có đất đai, tài sản thế chấp còn mạnh dạn vay tới cả tỷ đồng để thu mua, sơ chế cà phê, hạt tiêu. Cuộc sống đang ngày một đổi thay trên mảnh đất Hướng Hóa, Khe Sanh anh hùng.
Trần Thu Trang (Trần Thu Trang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.