Góp ý sửa đổi hiến pháp 1992: Cần thể hiện rõ vai trò Hội NDVN

Thứ tư, ngày 13/03/2013 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 12.3 tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức cơ quan T.Ư Hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch T.Ư Hội Nguyễn Quốc Cường chủ trì hội nghị.
Bình luận 0

Khẳng định vai trò của Đảng CSVN

Các đại biểu dự hội thảo đều nhất trí cao với Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Theo các đại biểu, thực tiễn cách mạng Việt Nam, những thành tựu to lớn, ý nghĩa của 26 năm đổi mới đất nước là minh chứng sinh động, vừa là cơ sở khoa học để khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam.

img
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường tìm hiểu đời sống và sản xuất của nông dân trồng cà phê ở xã Hua La, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La).

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng ban Tuyên huấn cho rằng viết “Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng...” ở khoản 1 Điều 4 là không cần thiết. Theo bà, coi trọng và lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN là một trong những tính chất cơ bản của Đảng CSVN, đã được ghi trong Điều lệ Đảng. Khi nhân dân lựa chọn Đảng CSVN là đảng chính trị duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước thì đương nhiên sẽ thừa nhận tính chất này của Đảng, do đó không nhất thiết phải nêu trong Hiến pháp.

Ông Tô Tuấn Đạt - chuyên viên Ban Kiểm tra đề nghị, dưới Hiến pháp cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Điều 4 quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, trong khi đó chưa có cơ chế để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng.

Bổ sung điều về Hội NDVN

Một trong những nội dung các đại biểu nhất trí cao là đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần thể hiện rõ vai trò, vị trí của Hội NDVN. Dự thảo dành hẳn Điều 10 quy định về vai trò, vị trí của công đoàn. ND là một trong 2 giai cấp, cùng với đội ngũ trí thức trong liên minh cơ bản làm nên quyền lực của Nhà nước, nhưng dự thảo chưa đề cập. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của giai cấp ND, nông nghiệp, nông thôn trong lịch sử phát triển và tiến trình đổi mới đất nước, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó ban Xã hội - Dân số - Gia đình đề nghị: “Trong Điều 10 nên bổ sung nội dung về Hội NDVN, hoặc thêm 1 điều riêng về Hội NDVN”.

Nhiều tỉnh, thành hội tổng hợp ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp là có thẩm quyền phán quyết, buộc các cơ quan Nhà nước phải sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ đối với các văn bản quy phạm pháp luật và quyết định trái Hiến pháp…

Bà Bế Thị Yến - Trưởng ban Kiểm tra cho biết, đến ngày 10.3, T.Ư Hội NDVN đã nhận được văn bản tổng hợp lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của hơn 30 tỉnh, thành hội. Tất cả các ý kiến đề nghị dự thảo cần có điều khoản quy định về giai cấp ND và tổ chức đại diện là Hội NDVN...

Nhiều ý kiến cho rằng khoản 2, Điều 9 về chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ VN và các tổ chức thành viên là chưa chính xác vì đối tượng giám sát và phản biện xã hội không giống nhau. Cần quy định rõ: “MTTQ VN và các tổ chức thành viên giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Ở khoản 3, Điều 9 cần thay cơ chế “tạo điều kiện” của Nhà nước bằng cơ chế “đảm bảo” để MTTQ VN và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả. Như vậy mới thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị, tránh cơ chế "xin-cho"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem