Cổ tích tình yêu của chàng kỹ sư và cô gái tật nguyền

Thứ ba, ngày 15/04/2014 07:16 AM (GMT+7)
Một chàng trai là kỹ sư cơ khí làm việc ở thành thị đã từ bỏ tất cả để về vùng biên nắng gió ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền (Tân Hưng, Long An) sống với một cô gái nhà nghèo và bị tật nguyền, lại phải nuôi mẹ mù lòa.
Bình luận 0
Cảm thông với những nỗi đau

Lên 5 tuổi, vì kế mưu sinh, Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng gia đình phải rời bỏ quê hương Tiểu Cần, Trà Vinh đến Long An lập nghiệp. Nhờ một người dân địa phương tốt bụng cho “ở đậu”, gia đình 7 miệng ăn dựng căn lều tạm bên bờ sông để làm thuê kiếm sống qua ngày. Cuộc sống khốn khó nên 5 anh chị em của Mai đều không được ăn học đến nơi đến chốn. Khi cả gia đình đang còn chật vật với miếng ăn thì năm 2000, mẹ của Mai - bà Nguyễn Thị Tám lâm bệnh, vì không có tiền chữa trị nên bà bị mù 2 mắt.

Vợ chồng Đặng - Mai và bà Nguyễn Thị Tám.
Vợ chồng Đặng - Mai và bà Nguyễn Thị Tám.

Sáu năm sau, khi vừa tròn 19 tuổi, cô gái nhà nghèo một lần nữa khóc hết nước mắt khi đôi chân bỗng dưng bị liệt hoàn toàn vì bệnh xuất huyết tủy. Nhà quá nghèo nên gia đình phải đau xót đưa chị trở về quê nhà nằm chờ chết. Những ngày thuốc thang tạm bợ cầu may ở quê nhà, điều kỳ diệu đã xảy ra, chị vẫn sống dù di chứng ác nghiệt là đôi chân teo tóp đã vĩnh viễn không thể phục hồi.

Hơn 1 năm sau, cha Tuyết Mai qua đời. Bốn anh chị em khác đều nghèo túng và có gia đình riêng. Thế là từ đó, trong căn chòi rách nát ở mé sông, người ta thấy cảnh một cô gái tật nguyền phải lê lết rất khó khăn để chăm sóc mẹ già bị mù lòa, trong túi nhiều khi không có một xu. Cách đó hàng trăm cây số, anh Nguyễn Văn Đặng (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) khi ấy là kỹ sư bảo trì cho một công ty ở Bình Dương với mức lương mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Đặng cũng có hoàn cảnh éo le. Khi Đặng vừa tròn 2 tuổi thì cha bỏ đi, mẹ có chồng khác, 2 anh em Đặng phải ở chung với bà nội nên anh rất hiểu và cảm thông với những người đồng cảnh ngộ. Cuối năm 2009, một người bạn của Đặng xuống Hưng Điền chơi đã vô tình nghe và về kể lại câu chuyện hoàn cảnh 2 mẹ con của Mai. Sau đó, Đặng và Mai có vài lần trò chuyện, thăm hỏi nhau qua điện thoại.

“Ai nói gì cũng mặc, vợ mình mình thương”

Một ngày cuối năm 2009, khi họ hàng còn đang tính chuyện hỏi vợ cho Đặng thì từ TP.HCM, anh trốn nhà vượt hàng trăm cây số đến Long An để thăm Mai rồi trở về thành phố xin phép bà nội để hỏi cưới Mai. Khi đã biết bụng dạ thằng cháu, bà chỉ dặn dò: “Mày có thương thì thương cho trót, chớ ở với con người ta giữa chừng rồi chán mà bỏ là tao từ”.

Theo UBND xã Hưng Điền, gia đình chị Mai là hộ nghèo ở địa phương sống nhờ làm thuê, hoàn cảnh bệnh tật và điều kiện ăn, ở hết sức khó khăn. Thời gian qua xã cũng đã xem xét tính đến chuyện vận động xây nhà tình thương, nhưng khó khăn là gia đình này không có đất ở tại địa phương.

Mấy ngày sau đó, tin chàng kỹ sư thành phố dọn đồ về nhà Mai “ở rể” lan truyền nhanh chóng ở xóm nghèo vùng biên. Người đầu tiên không tin chuyện này là bà Tám. Khi Đặng nói thương Mai và muốn về sống với con gái bà, bà cảm thấy xốn xang trong bụng. Bà sợ rồi đây, khi không chịu nổi cảnh nghèo khó, bệnh tật và cuộc sống thiếu thốn ở vùng quê, Đặng sẽ bỏ con gái bà. Con gái bà đã chịu lắm khổ đau rồi, chắc sẽ không sống nổi...

Người thứ 2 không tin chuyện này là Mai, lần đầu tiên khi nghe người con trai thành thị… tỏ tình, lý trí người con gái nghèo nhà quê dè dặt, nghi ngờ. Thế nhưng Mai có thể nghi ngờ được điều gì khi mà tài sản duy nhất của chị là căn chòi rách bươm, một cái radio cũ kỹ và chiếc điện thoại di động mà một người tốt bụng tặng. Ngày qua ngày, anh cứ nói mãi, rồi chị cũng gật đầu, dù lòng rối như tơ vò. Nhờ người chủ đất tốt bụng đứng ra làm chủ hôn, rồi nấu mâm cơm trình tổ tiên ông bà, đám cưới của họ được tổ chức đơn sơ mà ấm cúng.

Cuối năm 2012, vết thương của Mai lại tái phát. Đặng lo lắng đưa vợ đi bệnh viện mà trong túi không còn một đồng. Những người thăm nuôi thân nhân ở bệnh viện khi biết chuyện đã vận động, quyên góp giúp chị một số tiền để nhập viện điều trị. Và nhờ sự giúp đỡ của một số Mạnh Thường Quân, vợ chồng Đặng - Mai có được một số tiền để chạy chữa thuốc thang, sửa lại căn nhà tạm bợ che mưa che nắng...

Bây giờ, mỗi ngày với cô gái 27 tuổi đều là một niềm hạnh phúc giản dị, như một giấc mơ có thật giữa đời thường. Chị có điều kiện đi lại tốt hơn nhờ chiếc xe lăn của một người tốt bụng vừa cho, anh cũng vừa tích cóp mua được chiếc xe máy cũ để tiện đi lại mỗi khi bệnh chị tái phát. Hơn 4 năm lam lũ với nắng gió khắc nghiệt của vùng biên, chàng trai thị thành ngày nào đã mang dáng dấp của một nông dân chính hiệu, đã quen dần với việc đồng áng, thả lưới, giăng câu thường ngày.

Cho tới tận bây giờ, nhiều người vẫn còn tỏ ra nghi ngại về mối tình tựa như cổ tích này. Những lúc như vậy, anh chỉ cười trừ, anh bảo: “Mình còn sống ngày nào thì lo cho vợ, cho mẹ ngày đó, ai nói gì mặc kệ, vợ mình mình thương”.

Diệu Thanh (Diệu Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem