Ngày 7.3, tại Hà Nội, Nhóm cộng tác vì sự tham gia của người dân (PPWG) và Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR) phối hợp tổ chức Hội thảo “Kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Bình - đồng Chủ tịch PPWG cho rằng: Lời nói đầu của Dự thảo chưa thể hiện được nguyên tắc quyền lập hiến là thuộc về toàn dân, chưa xác định rõ chủ thể ban hành Hiến pháp là nhân dân.
“Dù Quốc hội được giao nhiệm vụ lập hiến như hiện nay, bản Hiến pháp được soạn ra vẫn phải được khẳng định là của nhân dân. Bảo đảm quyền lập hiến thuộc về nhân dân là một thành tố quan trọng để thực thi quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân nói chung. Do đó, cần quy định việc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 124 Dự thảo như sau: “Dự thảo Hiến pháp, sau khi được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và được đa số cử tri tán thành trong cuộc trưng cầu ý dân, sẽ được thông qua”.
Theo ông Nguyễn Vi Khải - Phó viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (VIDS), Dự thảo chưa làm rõ quyền con người và quyền công dân, thiếu ý cơ bản trong Điều 21 là “Mọi người có quyền sống”. “Mọi người vẫn đang sống, nhưng vấn đề là sống như thế nào? Tôi thấy Dự thảo thiếu nhiều nội dung cơ bản về quyền được sống, quyền được tồn tại, quyền được phát triển, quyền được đóng góp ý kiến và quyền được mưu cầu hạnh phúc” - ông Khải nhấn mạnh.
Đại diện các tổ chức xã hội dân sự đề nghị sửa Điều 26 trong Dự thảo thành: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp, lập hội và biểu tình”.
Long Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.