Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Tăng lấy ý kiến người dân nông thôn

Thứ năm, ngày 07/03/2013 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 6.3, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc xin ý kiến nhân dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc tổng hợp ý kiến góp ý cần đảm bảo khách quan, trung thực...
Bình luận 0

Vùng nông thôn, nông dân còn ít góp ý

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ cho biết, trong hơn 2 tháng qua, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị đã đóng góp rất nhiều ý kiến với sự tâm huyết và thiết thực cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về tình hình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tính đến ngày 4.3, đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và 17 bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến đều rất phong phú, đa dạng, có chất lượng, phản ánh được ý kiến chính đáng của nhân dân.

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng phản ánh một số khó khăn trong quá trình triển khai, như thời gian gấp, trùng với thời gian các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác năm 2013, sau đó là dịp nghỉ Tết Nguyên đán… Công tác tuyên truyền, lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do địa hình cách trở nên sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các khu vực này còn hạn chế.

Việc Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ban hành chậm hướng dẫn tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân khiến nhiều địa phương phải tập hợp, tổng hợp lại gây mất thời gian. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng các bộ, ngành, địa phương chủ yếu lấy ý kiến đóng góp với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Còn với vùng nông thôn, bà con nông dân, các chức sắc, tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu sổ còn ít được tổ chức góp ý. Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần tập trung thực hiện lấy ý kiến ở các đối tượng này.

Chưa phát huy vai trò của trí thức

Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ các địa phương đề nghị sau thời hạn Chính phủ gửi báo cáo tổng hợp góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (ngày 31.3), cần tiếp tục tổ chức tập hợp, tổng hợp lấy ý kiến về dự thảo cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, các bộ, ngành T.Ư chưa phát huy cao độ vai trò đội ngũ trí thức góp ý vào dự thảo...

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trần Đức Lai, sau hơn 2 tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có trên 3.000 lượt tin, bài phản ánh trên báo, đài của T.Ư. Nhiều báo mở chuyên trang, chuyên mục thường xuyên đưa tin, phản ánh khá đa dạng việc góp ý...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đời sống chính trị đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đồng bào trong và ngoài nước”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý cần đảm bảo dân chủ, khách quan, trung thực các ý kiến đóng góp của nhân dân. Đối với những nội dung góp ý trái với đường lối của Đảng, cần phải phản biện lại trên cơ sở lý luận khoa học.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan, đơn vị cần tranh thủ sự góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý vào dự thảo. Trong báo cáo cần thể hiện rõ phương pháp thống kê, so sánh các ý kiến ủng hộ, không ủng hộ đối với các vấn đề quan trọng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp uỷ chỉ đạo các phương tiện truyền thông tuyên truyền đúng định hướng, đảm bảo tự do dân chủ khi góp ý. Các cơ quan báo chí quan tâm đăng tải các ý kiến về Hiến pháp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem