“Hà Bá” nuốt đất miền Tây

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 27/04/2017 06:27 AM (GMT+7)
Không riêng gì vụ sạt lở nghiêm trọng mới xảy ra ở sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, An Giang; thời gian qua, ĐBSCL liên tục xuất hiện các vụ sạt lở tương tự. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, tới đây sẽ xuất hiện các điểm sạt lở nghiêm trọng hơn.
Bình luận 0

Sạt lở khắp nơi

Theo UBND tỉnh An Giang, tỉnh vừa báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vụ sạt lở xảy ra trên sông Vàm Nao (đoạn thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới). Vụ việc xảy ra lúc 9 giờ 20 ngày 22.4, khiến 16 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông. Sau đó, khu vực sạt lở tiếp tục mở rộng làm 90 căn nhà kế cận bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp; thiệt hại tài sản khoảng 9 tỷ đồng.

img

Hiện trường vụ sạt lở ở An Giang. Ảnh: H.X

50 hộ dân ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang đứng trước nguy cơ mất nhà và cuộc sống bị ảnh hưởng do sạt lở chân đê nghiêm trọng khoảng 400m, có những vị trí đã sạt lở hơn nửa thân đê. 
Tuyến bờ bao Phú Đa-Phú Bình (xã Vĩnh Bình) dài gần 10km. Do ảnh hưởng của dòng chảy và tình trạng khai thác cát trái phép nên chân đê đang sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến 150ha đất, đến cuộc sống của 50 hộ dân. Xã đã kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ gia cố sạt lở khẩn cấp tuyến bờ bao Phú Da-Phú Bình.

Trong khi vụ sạt lở trên chưa được khắc phục, có nguy cơ lan rộng, uy hiếp khu dân cư, trường học, khu hành chính xã, chợ, thì theo thống kê của Phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu thuộc Sở TNMT tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh có đến 51 đoạn sông được cảnh báo có nguy cơ sạt lở rất cao.

Trong 51 đoạn sông này, có 4 đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, mức độ ảnh hưởng lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại. Cụ thể là đoạn sông Tiền (xã Phú An, Phú Tân); (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) và  (xã Bình Mỹ, kênh xáng Cây Dương - phà Năng Gù, huyện Châu Phú) thuộc sông Hậu. Vài năm qua, 2 tuyến sông Tiền, sông Hậu hay các nhánh sông ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang... thường xuyên xảy ra hàng loạt vụ sạt lở.

500ha đất bị “nuốt” mỗi năm

Ngày 25.4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã trực tiếp đến hiện trường vụ sạt lở ở An Giang. Thứ trưởng cho rằng, vụ sạt lở trên là sự cố thiên tai rất nặng nề, nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu và lượng cát ở thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ít.

img

Cũng theo Thứ trưởng Thắng, tình trạng sạt lở ở khu vực bờ sông và ven biển ĐBSCL đã và đang diễn ra nghiêm trọng. Để hạn chế những thiệt hại do sạt lở gây ra, trước mắt các địa phương phải tăng cường công tác điều tra, xác định các vùng nguy hiểm, cảnh báo cho người dân biết. Tới đây, việc xây dựng những công trình lớn ven bờ sông cần cân nhắc.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân sạt lở phần lớn là do dòng chảy thay đổi; tàu thuyền qua lại nhiều do xây dựng nhà cạnh bờ sông dần dần tạo hố xoáy.

PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH.Cần Thơ) nhận định: “Khoảng 10 năm trở lại đây, các điểm sạt lở ở ĐBSCL nhiều hơn so với trước đây. Điểm cũ mở rộng, điểm mới hình thành, điểm bồi ít lại, điểm lở gia tăng. Cả vùng ĐBSCL có thể mất hơn 500ha mỗi năm do sạt lở…”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem