Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Thưa ông, Chính phủ đã đồng ý dừng nhập khẩu 126.000 tấn đường theo đề nghị của Hiệp hội, vậy liệu có việc các nhà máy đường trong nước ôm hàng, đẩy giá, thưa ông?
- Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, không một doanh nghiệp đường nào dám trữ đường, găm hàng, cả nhà máy sản xuất lẫn nhà thương mại cũng vậy. Tính toán sơ bộ cho thấy, lãi suất ngân hàng mà các doanh nghiệp sản xuất đường đang phải trả tính bình quân mỗi tháng khoảng 300 đồng/kg đường.
|
Nông dân trồng mía và ngành mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn. |
Với việc còn tồn kho hàng trăm, hàng nghìn tấn thì đây là áp lực quá lớn. Hiện, các nhà máy đường đang ngấp nghé mức lỗ và cũng nhiều nhà máy đã lỗ rồi, vì thế trữ đường găm hàng chờ tăng là quá rủi ro.
Bên cạnh đó, sản lượng đường vụ tới dự báo đạt trên 1,3 triệu tấn, đường thế giới cũng đang trúng và dễ dàng nhập lậu. Như vậy, khó doanh nghiệp nào dám trữ đường, tôi cam đoan điều này. Vấn đề cần làm hiện tại là điều tiết lượng đường ra thị trường hợp lý, không bị nhiễu loạn giá.
|
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam |
Nhiều ý kiến cho rằng, khâu phân phối đường có vấn đề khi mức chênh lệch giữa giá bán của nhà máy tới người tiêu dùng có nơi đến 10.000 đồng/kg, ý kiến của ông thế nào?
- Từ nhà máy đến tay người tiêu dùng thì giá cả chênh lệch là điều tất nhiên vì phải gánh nhiều chi phí, qua nhiều công đoạn phân phối. Tôi công nhận thời gian qua nhiều siêu thị có dấu hiệu độc quyền, hơi lạm dụng điều kiện kinh doanh để đưa giá đường lên cao với mức 23.000 – 24.000 đồng/kg (giá đường bán tại nhà máy khoảng 18.000 đồng/kg).
Hơn nữa, đường bán tại siêu thị là đường kính trắng RE, chia nhỏ đóng gói và bán lẻ, nên giá bán cao hơn đường nhập sỉ RS. Tại các hệ thống thương mại, hai loại đường này chênh nhau khoảng 5.000 đồng/kg, nên đường bán lẻ đang đứng giá cao là điều dễ hiểu.
Có ý kiến cho rằng việc “làm giá” là do sự liên kết giữa các nhà máy đường và nhà thương mại còn lỏng lẻo?
- Không có quy định nào đòi hỏi sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà thương mại cả. Điều này tùy vào sự chọn lựa của thị trường. Trên thế giới cũng không có tiền lệ về sự liên kết này. Nhà sản xuất bán sản phẩm cho nhà thương mại, còn tùy vào cân đối thị trường để nhà thương mại lựa chọn mức giá bán ra sao cho phù hợp. Các nhà máy đường không thể nào điều chỉnh giá cả được vì đó là quyền của nhà thương mại.
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, hiện các nhà máy đường đang ôm cả khâu phân phối, trong khi khâu này nên giao cho các nhà thương mại?
- Các nhà máy đường phụ trách cả khâu thương mại là hợp lý, bởi có như vậy, mới có thể kiểm soát, bình ổn được giá đường trong nước. Nếu giao hết cho nhà thương mại, họ nhập hàng vào, rồi đợi thời điểm đẩy giá lên, khi đó, ai có thể quản lý được.
Đường nhập lậu là vấn đề nhức nhối lâu nay, theo ông, có thể ngăn chặn được đường nhập lậu vào trong nước?
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường VN, lượng đường nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 7 sẽ là 123.250 tấn. Hiệp hội Mía đường cho biết sẽ có văn bản báo cáo Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đề nghị cắt hẳn khoảng 126,75 ngàn tấn trong hạn ngạch nhưng chưa ký hợp đồng nhập.
- Trung bình 1 năm, lượng đường nhập lậu qua biên giới Campuchia vào nước ta khoảng 300.000 tấn, bằng ¼ lượng đường tiêu thụ trong nước.
Về nguồn đường này, có hai luồng ý kiến, một là nên để nguồn đường này “tự do” tiêu thụ để người tiêu dùng hưởng lợi giá rẻ, hai là ngăn chặn tuyệt đối để giữ ổn định thị trường trong nước.
Tôi cho rằng đường nhập lậu hôm nay giá có thể rẻ, nhưng không ai dám chắc rằng sau 2 năm, 5 năm nữa giá cả sẽ như thế nào. Nếu trông chờ quá lớn vào lượng đường này thì ta sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn về lượng và giá cả, tiêu tốn ngoại tệ. Do vậy phải ngăn chặn đường lậu để bình ổn thị trường trong nước một cách lâu dài.
Một trong những cách hạn chế đường lậu là hạ giá thành đường trong nước, càng hạ giá thành thì đường lậu không có cơ hội vào trong nước.
Ngọc Lê (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.