Theo chủ trương quy hoạch của Nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp trong nội đô sẽ được di chuyển ra ngoại thành hoặc các cụm công nghiệp ven Hà Nội. Chính vì thế, khu đất này bỗng hóa “vàng”, nhiều khu đất tại các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã nhanh chóng “hô biến” thành các dự án cao ốc.
“Đất vàng” công nghiệp thành chung cư
Trước đây, trung tâm quận Thanh Xuân được ví như là thủ phủ đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp nhẹ, tên tuổi một thời như: Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội... Tuy nhiên, sau khi các công ty này được chuyển đổi thành công ty cổ phần thì trụ sở, nhà xưởng cũng chuyển đổi theo thành những chung cư thương mại.
Điển hình, với trường hợp công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tiền thân là công ty dệt len Mùa Đông được thành lập năm 1960. Ngày 22.3.2006, UBND TP Hà Nội ra quyết định chuyển đơn vị này từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn cổ đông.
Ngày 25.10.2010, UBND TP Hà Nội có quyết định việc thu hồi 22.602m2 của công ty giao cho công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông-VID (trong đó công ty cổ phần dệt Mùa Đông sáng lập) để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán…
Tổ hợp TNR Goldseason bàn giao nhà sẽ trở thành "gánh nặng" cho hạ tầng khu vực?
Hiện tại dự án khu căn hộ mang tên TNR Goldseason tọa lạc tại số 47 Nguyễn Tuân đã chính thức “ra mắt” trên thị trường. Dự án có quy mô gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ do TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý, điều hành và phát triển độc quyền.
Trường hợp tiếp theo trên đường Nguyễn Tuân, công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập ngày 30.6.1960. Ngày 8.2.2017, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định chuyển công ty TNHH MTV Thống Nhất thành công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội.
Tuy nhiên trước đó, vào năm 2011, Xe đạp Thống Nhất đã liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000m2 tại số 82 Nguyễn Tuân.
Dự án chung cư cao tầng tại 82 và 90 Nguyễn Tuân được hình thành từ khu đất xí nghiệp.
Mới đây, tháng 7.2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 37.062,2 m2 đất tại số 90 đường Nguyễn Tuân phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân do Tổng công ty vận tải Hà Nội đang quản lý giao cho công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở 90 Nguyễn Tuân. Dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng cao 29 tầng nổi.
Ngoài ra, hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp như tòa nhà 8B Lê trực, dự án công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án của công ty cổ phần May Thăng Long (số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn, quận Đống Đa); dự án nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy). Điểm chung các trường hợp này bắt nguồn từ các công ty thuộc các bộ, ngành được giao đất lâu năm làm trụ sở, nhà xưởng.
Có dấu hiệu của trục lợi?
Trước khi quy hoạch được Chính phủ phê duyệt năm 1998, TP Hà Nội có hơn 900ha đất các khu công nghiệp và điểm công nghiệp nhỏ lẻ. Từ đầu những năm 2000, Hà Nội đã có chủ trương di dời các khu công nghiệp, điểm công nghiệp ra ngoại thành để khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Năm 2012, Luật Thủ đô ban hành, quy định rất rõ: “Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…, được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã trở nên cấp bách.
Thế nhưng, đến cuối năm 2014, trong Quyết định “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội” cũng nêu rõ sẽ từng bước di dời cơ sở công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm môi trường và cơ sở đào tạo, y tế, cơ quan không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô.
Ngoài ra, quy chế này nhấn mạnh, cần phải đưa ra các “vùng cấm” không cho xây dựng cao tầng hậu di dời. Tuy nhiên, từ chủ trương cách đây hàng chục năm, đến khi có Luật Thủ đô để hiện thực hóa chủ trương này, có hướng dẫn bằng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thì Hà Nội vẫn không thực hiện được.
Theo các chuyên gia quy hoạch nhận xét, thực trạng hiện nay của công tác quy hoạch là còn phức tạp và có chồng lấn. Có những điều chỉnh cục bộ trái quy hoạch chung được chi phối bởi lợi ích ngầm.
“Quá trình cách làm có vấn đề, chủ đầu tư tự đề xuất rồi thành phố phê duyệt nhưng Hà Nội thiếu sự kiên quyết. Mà chủ đầu tư đề xuất thì bao giờ cũng phải có lợi nhiều nhất cho họ”, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội nhận xét.
Trước đó, tại buổi trả lời chất vấn về nhóm vấn đề do UBTV Quốc hội ngày 16.8.2017, trước câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) rằng “có trục lợi hay không trong tổ chức quy hoạch”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời: “Về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, đúng là có dấu hiệu của trục lợi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.