Hà Nội: Một số quận, huyện cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại ở vùng xanh

Nguyễn Dũng - Sông Bùi Thứ hai, ngày 06/09/2021 10:46 AM (GMT+7)
Từ 6/9, một số huyện trên địa bàn Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh buôn bán trên địa bàn huyện được bán hàng mang về tại các xã, phường, thị trấn "vùng xanh" trên địa bàn.
Bình luận 0

Huyện Gia Lâm: Cho phép "bán hàng ăn mang về" ở vùng xanh

UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, huyện Gia Lâm đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm… cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, Phân khu 1 (vùng đỏ) gồm một phần địa giới thôn 3 (xã Đông Dư) và một phần thôn Giao Tất A (xã Kim Sơn; cùng là khu vực có ổ dịch đang được phong tỏa, cách ly). Khu này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ không cho người ra vào; yêu cầu "ai ở đâu ở đó", "nhà nào ở yên nhà đấy" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch triệt để.

Ngoài ra, chính quyền sở tại sẽ lập chốt kiểm soát ra vào tại Phân khu 1; thiết lập hàng rào cứng tại các tuyến đường ngang, ngõ tắt (có tính đến phương án linh hoạt phòng trường hợp khẩn cấp).

"Vùng đỏ" này sẽ dừng triệt để các hoạt động sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ; chỉ cho cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa để phục vụ người dân.

Hà Nội: Một số quận, huyện cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại ở vùng xanh - Ảnh 1.

Huyện Gia Lâm cho phép hàng ăn tại vùng xanh bán mang về. Ảnh minh họa: Phạm Hưng.

Phân khu 2 (vùng da cam) sẽ gồm các thôn, tổ dân phố, khu vực của xã, thị trấn có thôn, tổ dân phố bị phong tỏa; các tổ dân phố, khu vực vừa kết thúc phong tỏa trong thời gian 14 ngày; Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vinhomes Ocean Park và các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm Công nghiệp. Toàn bộ "vùng da cam" sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Trong đó, tiếp tục duy trì trực chốt tại các tổ dân phố, thôn, đảm bảo trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần cho đến khi có thông báo mới; cho phép người dân, phương tiện đến từ vùng 2, vùng 3 và các phân khu khác trên địa bàn huyện ra vào nhưng phải kiểm soát, lập sổ theo dõi.

Tại Phân khu 2, huyện Gia Lâm cho phép các hoạt động sản xuất thiết yếu, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và có phương án phòng, chống dịch đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt…

Đối với Phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như Phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, chính quyền sở tại áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 16 hoặc cao hơn Chỉ thị 15 để đảm bảo phù hợp và nhanh chóng đưa địa phương trở lại trạng thái "giai đoạn bình thường mới".

Huyện Sóc Sơn: Từ ngày 6/9, người dân không được ra đường sau 20 giờ nếu không có lý do chính đáng

Đây là một trong những nội dung được đề cập đến trong kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn ban hành chiều 5/9, nhằm thực hiện Chỉ thị số 20 của UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, để chủ động phòng, chống nguy cơ bùng phát, lây lan của dịch Covid-19, huyện Sóc Sơn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạm dừng hoạt động hội họp, sự kiện tập trung đông người không cần thiết.

Khuyến khích họp trực tuyến đối với các cuộc họp cần thiết và thực hiện không quá 20 người trong một phòng họp.

Người dân được khuyến cáo không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Đặc biệt là không được ra đường sau 20 giờ hàng ngày nếu không có lý do chính đáng. Huyện sẽ chỉ đạo giám sát chặt việc đi lại của người dân, xử lý nghiêm các trường hợp ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết.

Hà Nội: Một số quận, huyện cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại ở vùng xanh - Ảnh 2.

Một góc trung tâm huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội. Ảnh: Hanoimoi.vn

Từ ngày 6/9, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động cũng sẽ phải đóng cửa trước 20 giờ hàng ngày và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với khách hàng theo quy định của ngành y tế.

Hiện, UBND huyện Sóc Sơn vẫn đang duy trì hàng chục chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào địa bàn. Tinh thần chung được đưa ra là hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân từ huyện đến các tỉnh, TP, khu vực có dịch và ngược lại (trừ việc đưa người dân về địa phương theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội).

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết: Từ nay cho đến ngày 21/9, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn, vững chắc "vùng xanh", ngăn chặn tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng công nghiệp.

Đồng thời, đảm bảo đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn.

Quận Long Biên: Triển khai phân 3 nhóm khu vực để kiểm soát dịch Covid-19 từ 9/9

Tại quận Long Biên, Ban Thường vụ Quận uỷ đã thống nhất một số kết luận, trong đó giao UBND quận hoàn thiện, ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị 20 của UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, căn cứ mức độ nguy cơ để chia địa bàn theo 3 nhóm khu vực theo từng mức độ.

Khu vực 1 - nguy cơ cao: Tiếp tục áp dụng thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội.

Khu vực 2 - có nguy cơ: Áp dụng thực hiện theo Chị thị 15 của Chính phủ, nhưng có áp dụng bổ sung một số biện pháp tăng cường công tác, phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao hơn.

Khu vực 3 - ở mức độ nguy cơ "Trạng thái bình thường mới": Áp dụng thực hiện theo Chị thị 15 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng khung tiêu chí cụ thể đối với từng loại khu vực để triển khai áp dụng.

Quận ủy Long Biên yêu cầu UBND quận xây dựng và ban hành phương án khung tiêu chí xong trong ngày 6/9; UBND phường xây dựng kế hoạch thực hiện, hoàn thành trình UBND Quận phê duyệt trong ngày 7/9. Ngày 8/9, UBND quận sẽ phê duyệt phương án. Và từ 6 giờ ngày 9/9 sẽ áp dụng thực hiện theo Kế hoạch của 14 phường đã được UBND quận phê duyệt.

Ba phân vùng chống dịch ở Hà Nội

Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Hà Nội chống dịch theo 3 phân vùng, siết chặt giãn cách xã hội tại ''vùng đỏ''

Vùng một gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì; và một phần địa giới hành chính 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Vùng một tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó", "người ở vùng nào, ở vùng đó".

Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Toàn bộ vùng hai áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.

Vùng ba là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Vùng ba áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ "vùng một".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem