Doanh nghiệp loay hoay vì vẫn chưa xin được giấy đi đường ở Hà Nội

Phạm Hiệp - Sông Bùi Chủ nhật, ngày 05/09/2021 16:01 PM (GMT+7)
Hôm nay (5/9), Công an TP.Hà Nội đã thông báo phương án chính thức liên quan việc duyệt, cấp giấy đi đường. Ghi nhận của PV Dân Việt, hết buổi sáng và vắt sang cả buổi chiều nhưng có doanh nghiệp vẫn chưa hoàn tất được thủ tục xin giấy đi đường.
Bình luận 0

"Phải cố xin được chứ không mai đi bằng gì?"

Chỉ vài tiếng sau khi có thông tin chính thức từ Công an TP.Hà Nội về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid – 19, PV Dân Việt đã ghi nhận được các trường hợp doanh nghiệp đến các trụ sở cơ quan liên quan để xin cấp giấy đi đường.

Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), hầu như rất ít người dân, doanh nghiệp xuất hiện trực tiếp tại trụ sở Công an phường để làm các thủ tục liên quan giấy đi đường.

Khoảng 10 giờ 30 phút, anh Đ.V.L (Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đến trụ sở Công an phường nơi cư trú để xin một số mẫu liên quan về hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy đi đường, tuy nhiên thời điểm đó anh vẫn chưa liên hệ được với cán bộ cảnh sát khu vực.

Nhà anh L. mở một công ty kinh doanh gạo, trước việc trong buổi sáng chưa thể hoàn tất các thủ tục, người đàn ông này tỏ ra lo lắng nếu không có được giấy đi đường, ngày mai (6/9) sẽ gặp khó khăn khi đi vận chuyển, giao hàng.

"Tôi phải cố xin được giấy đi đường chứ không mai ra đường như thế nào. Nhà tôi chỉ trông mong vào công việc đó", anh L. nói chiều sẽ quay lại trụ sở Công an phường để tiếp tục xin giấy.

Doanh nghiệp loay hoay vì vẫn chưa xin được giấy đi đường ở Hà Nội - Ảnh 1.

Anh Đ.V.L (Thanh Xuân, Hà Nội) trong sáng ngày 5/9 vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục để xin cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp của mình. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Một chủ một đại lý phân phối sữa tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho biết, từ hôm qua đến nay, anh gọi điện thoại liên tục đến "cháy máy" cho công an phường theo số hotline để chờ hướng dẫn thì không gọi được. 

"Nếu không có giấy đi đường thì nhân viên không thể đi giao hàng, phân phối sữa đến các cửa hàng nhỏ lẻ trong khu vực thành phố theo quy định của công an nên tôi rất lo lắng", người này nói.

Chị H.T, Giám đốc một công ty phân phối dược phẩm tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, từ hôm qua (4/9), chị và tất cả các bộ phận trong công ty đã phải chạy đôn chạy đáo để đăng ký theo quy định giấy đi đường mới.

Chị nói, theo các bước hướng dẫn từ cảnh sát khu vực, sau khi đăng ký theo biểu mẫu (tên doanh nghiệp, số điện thoại, email, ngành nghề), doanh nghiệp nếu được duyệt sẽ phải nộp tiếp biểu mẫu số 2 (gồm họ tên những người được cấp, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, tuyến đường, khu vực di chuyển, ngành nghề, hiệu lực giấy, khung giờ).

"Công ty tô có gần 60 nhân viên nhưng khi liên hệ với cảnh sát khu vực để đăng ký giấy đi đường thi họ bảo chỉ xét duyệt 3 - 5 người và mới ở bước 1. Cảnh sát khu vực hẹn hôm nay sẽ cấp giấy nên chúng tôi vẫn đang chờ", chị T. nói.

Trước đó, lo việc thay đổi giấy đi đường mới gặp nhiều khó khăn và chậm trễ nên cả ngày hôm qua, nhân viên công ty chị đã phải làm tăng cường đến đêm để chuyển bớt hàng. 

"Mỗi lần thay đổi chính sách, doanh nghiệp vất vả và chi phí tăng thêm rất nhiều. Hiện, công ty chúng tôi vẫn còn hai chuyến hàng ngày mai về tới sân bay Nội Bài, nhưng không biết phải bốc dỡ, vận chuyển về công ty thế nào vì không có người, nên phải cử 5-7 nhân viên ăn ở tại công ty đề phòng việc đi lại khó khăn", chị T. cho hay.

Doanh nghiệp loay hoay vì vẫn chưa xin được giấy đi đường ở Hà Nội - Ảnh 2.

Các công dân khai báo y tế trước khi bước vào làm việc tại trụ sở Công an phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) sáng ngày 5/9. (Ảnh: N.H)

Có doanh nghiệp xin cấp 20 người nhưng chỉ 5 người đủ điều kiện

Đầu giờ chiều cùng ngày, ghi nhận của PV Dân Việt tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho thấy,  tại trụ sở Công an phường Tương Mai cũng hầu như không xuất hiện việc người dân đến làm thủ tục xin cấp giấy đi đường trực tiếp.

Thông tin từ lãnh đạo Công an phường Tương Mai cho biết, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sẽ thông tin, đề xuất qua Email. Các bên sẽ trao đổi để xem xét, duyệt với các trường hợp, từ đó cũng tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tụ tập đông người nơi công cộng.

Theo vị lãnh đạo Công an phường Tương Mai, cũng có trường hợp doanh nghiệp gửi danh sách 20 người đến đăng ký để cấp giấy đi đường, tuy nhiên qua kiểm tra, chỉ 5 người đủ điều kiện được duyệt cấp giấy đi đường (Các thông tin phải cung cấp như bảng lương, bảo hiểm, hợp đồng lao động…).

Còn tại trụ sở Công an phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), có một số doanh nghiệp đến làm thủ tục xin cấp giấy đi đường. Trước khi làm việc, tất cả mọi người được yêu cầu thực hiện khai báo y tế qua mã QR được Công an phường này cung cấp.

Với các trường hợp doanh nghiệp đến xin giấy đi đường, theo ghi nhận, họ được cán bộ Công an phường hướng dẫn trao đổi thông tin qua email để đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Doanh nghiệp loay hoay vì vẫn chưa xin được giấy đi đường ở Hà Nội - Ảnh 3.

Công an Hà Nội lập hàng rào, kiểm tra giấy đi đường của người dân lưu thông trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Hưng, chụp sáng 3/9.

Anh H. (một chủ doanh nghiệp tại quận Đống Đa) cho biết, từ sáng anh và cả nhân viên đã phải đi hỏi khắp nơi để tìm hiểu về việc xin cấp giấy đi đường. 

Theo anh, thực tế, ngay việc nhận định doanh nghiệp ở nhóm 2 hay nhóm 6 để xin phép cũng đã "đau đầu", ngoài ra chính quyền còn yêu cầu 3 mẫu đăng ký gồm: Công văn đề nghị; Phương án sử dụng lao động; Phương án phòng chống dịch. Thế nhưng chỉ có 2 mẫu đầu tiên, mẫu phương án phòng chống dịch, doanh nghiệp đang... "tra google" để tìm hiểu. 

"Chúng tôi cũng đang xác định tùy tình hình có thể phải đóng cửa cả 3 chuỗi cửa hàng nếu không xin kịp giấy đi đường mẫu mới", anh H. ngao ngán.

Các trường hợp cá nhân không cần giấy đi đường

Theo Công an TP.Hà Nội, có 6 nhóm đối tượng được xem xét cấp Giấy đi đường tại Vùng 1 theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid – 19 của TP.Hà Nội.

Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế. Nhóm này gồm các cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả các cơ quan trực thuộc và tương đương); Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Với nhóm này, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp giấy đi đường theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu. Nhóm này gồm các cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.

Doanh nghiệp loay hoay vì vẫn chưa xin được giấy đi đường ở Hà Nội - Ảnh 3.

Các trường hợp cá nhân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ không bị áp dụng giấy đi đường. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Các đối tượng ở nhóm 2 sẽ được Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội xem xét duyệt, cấp giấy đi đường.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch. Đối tượng là cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện tham gia công tác phòng chống dịch.

Ở nhóm 3, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp giấy đi đường theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Với nhóm 4 là các cơ quan báo chí, truyền thông, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp giấy đi đường cho các cán bộ, phóng viên trong nhóm.

Các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường thuộc nhóm đối tượng thứ 5. Nhóm này được phân chia như sau:

Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt, cấp Thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định;

Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về) thì không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND);

Cá nhân đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án cũng không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Nhóm cuối cùng được xem xét duyệt, cấp giấy đi đường ở Vùng 1 là các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.

Đối tượng là các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu. Công an xã, phường, thị trấn sẽ là đơn vị được giao thẩm quyền cấp giấy đi đường cho nhóm này.

Đà Nẵng cấp giấy đi đường tự động, người có thể tự in giấy đi đường QR Code

Cùng triển khai giãn cách theo 3 vùng như TP.Hà Nội, song những hướng dẫn của TP.Đà Nẵng lại thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp.

TP.Đà Nẵng đã công bố phần mềm đăng ký giấy đi đường tự động tại địa chỉ giaydiduong.danang.gov.

TP này cũng phân cấp từng đơn vị cụ thể (gồm các sở, UBND cấp phường) chịu trách nhiệm xác nhận theo các lĩnh vực, thay vì "dồn toa" cho cảnh sát khu vực và UBND phường, xã như Hà Nội. Sau khi được phê duyệt, cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Đà Nẵng có thể tự in giấy đi đường QR Code.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem