Hà Nội muốn đưa một huyện miền núi trở thành huyện mẫu về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 31/08/2023 18:56 PM (GMT+7)
Sau 15 năm về Thủ đô, huyện Ba Vì đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì ngày càng phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi sát nhập...
Bình luận 0


Đưa Ba Vì trở thành huyện mẫu về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô

Theo UBND huyện Ba Vì, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của huyện từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch vốn được giao.

Huyện Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững; trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người của huyện miền núi này đã tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022.

Hà Nội muốn đưa một huyện miền núi trở thành huyện mẫu về phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Những ngôi nhà mới xây phong cách hiện đại, đẹp như biệt thự đang trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều xã thuộc huyện Ba Vì. Ảnh: Thiên Ngân

Ba Vì cũng là địa phương có khoảng 28.000 đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở 7 xã miền núi, chiếm tỷ lệ 37,1%. Trong đó, Ba Vì là xã chiếm tỷ lệ cao nhất với 93,4% là đồng bào dân tộc Dao. Đến năm 2023, trên địa bàn 7 xã miền núi có 177 hộ nghèo, tỷ lệ giảm còn 0,69%; thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người/năm. 

Qua quá trình đầu tư, phát triển đến năm 2022 chỉ còn 7 xã: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại thuộc khu vực I. Huyện không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Huyện ủy Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5.580 tỷ đồng (bằng 41,79% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ).

Huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa VietGAP tại 4 xã với tổng diện tích 40ha; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Vạn Thắng với tổng diện tích 2ha và nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khác. Tổng sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là 138 sản phẩm (66 sản phẩm 3 sao; 72 sản phẩm 4 sao). 

Hà Nội muốn đưa một huyện miền núi trở thành huyện mẫu về phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 2.

6 sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Trang Viên của Hợp tác xã Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Thiên Ngân

Đối với xây dựng nông thôn mới, năm nay huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Hiện nay, có 28/31 xã, thị trấn (chiếm 90,32% số xã, thị trấn) được tiếp cận hệ thống nước sạch tập trung, với trên 51,77% số hộ gia đình đang sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. 3 xã miền núi: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì đang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tự chảy đảm bảo chất lượng nước với 50,12% số hộ gia đình đang sử dụng...

Để hoàn thành mục tiêu chương trình công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của huyện năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng đề nghị TP ưu tiên, hỗ trợ kinh phí kịp thời để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng trong đối với 5 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023. Các quận nội thành quan tâm và hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng các tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa.

Ngoài ra, đề nghị thành phố sớm ban hành hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp để làm cơ sở triển khai, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Quan tâm phê duyệt xử lý khẩn cấp việc lắp đặt trạm bơm dã chiến, tiếp nước cho Trạm bơm Trung Hà phục vụ chống hạn cho trên 3.000ha vụ lúa mùa, 1.200ha hoa màu của 12 xã trên địa bàn…

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội biểu dương huyện Ba Vì đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đứng đầu TP. 

Hà Nội muốn đưa một huyện miền núi trở thành huyện mẫu về phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng lãnh đạo huyện Ba Vì thăm Nhà máy sữa quốc tế IDP. Ảnh: Vương Vân

Thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới của huyện đạt 74,8 triệu/người/năm, đồng thời bà Tuyến yêu cầu phải xây dựng huyện Ba Vì đủ điều kiện trở thành huyện mẫu mực về phát triển nông nghiệp nông thôn của Thủ đô.

"Đề nghị huyện Ba Vì tập trung hoàn thiện hồ sơ để Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 04 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, trong đó, phát triển du lịch là mũi nhọn. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, chú trọng đầu tư các dự án cho xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số" – bà Tuyến nhấn mạnh.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới

thành phố Hà Nội


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem