Hà Nội: Người đứng đầu cấp ủy cơ sở phải chịu trách nhiệm toàn diện về bầu cử

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 17/05/2021 14:30 PM (GMT+7)
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu bí thư các quận, huyện, thị ủy chịu trách nhiệm toàn diện về thành công của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn.
Bình luận 0

Sáng 17/5, Ban Chỉ đạo bầu cử TP.Hà Nội làm việc với các quận, huyện, thị xã về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Toàn bộ 49 ứng cử viên ĐBQH đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử TP.Hà Nội cho biết, thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ bầu cử đã triển khai đầy đủ, chu đáo, đúng tiến độ thời gian quy định.

Danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 được chuyển đến toàn bộ các hộ gia đình để nghiên cứu, mạn đàm.

Bầu cử ở Hà Nội: Người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm toàn diện - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị.

Toàn bộ phiếu bầu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; thẻ cử tri, các loại biên bản, biểu mẫu thống kê, phù hiệu, cờ Tổ quốc, Quốc huy… đã được chuyển đến Ủy ban Bầu cử các quận, huyện, thị xã để gửi tới các tổ bầu cử.

TP đã cấp bổ sung tổng số 57.000 thẻ cử tri cho các quận, huyện, thị xã: Mỹ Đức, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Thanh Oai.

Bên cạnh việc công bố, niêm yết danh sách chính thức người ứng cử, công tác vận động bầu cử cũng được cơ quan chức năng TP.Hà Nội tổ chức hội nghị để ứng cử viên báo cáo với cử tri chương trình hành động; hướng dẫn mạn đàm tiểu sử các ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tính đến ngày 14/5, toàn bộ 49 ứng cử viên ĐBQH đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri và đến ngày 17/5, toàn bộ ứng cử viên đại biểu HĐND TP.Hà Nội và ứng cử viên HĐND cấp huyện hoàn thành việc tiếp xúc cử tri; đến ngày 21/5/2021, toàn bộ 10.807 ứng cử viên HĐND xã, thị trấn sẽ hoàn thành tiếp xúc cử tri.

Ủy ban Bầu cử TP.Hà Nội cũng yêu cầu rà soát cử tri là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật danh sách cử tri tại các điểm bầu cử. Kết quả, toàn TP giảm 17.563 cử tri (từ 5.408.560 cử tri xuống còn 5.390.997 cử tri), do nhiều cử tri là học sinh, sinh viên về quê do các trường triển khai đào tạo trực tuyến.

Bầu cử ở Hà Nội: Người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm toàn diện - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị

Ủy ban Bầu cử TP.Hà Nội cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các nội dung phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực bỏ phiếu, nhất là tại các điểm dân cư bị phong tỏa và cách ly y tế.

Đến nay, Hà Nội có 67 điểm dân cư bị phong tỏa và điểm cách ly có cử tri đều có phương án cụ thể để ghép vào các khu vực bỏ phiếu phù hợp, đảm bảo các khu vực bỏ phiếu có dưới 4.000 cử tri và không phải thành lập thêm các khu vực bỏ phiếu mới.

Tập trung cao độ và toàn lực lượng tổ chức thành công cuộc bầu cử

Ủy ban Bầu cử TP.Hà Nội xác định 13 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến bầu cử, trong đó xây dựng phương án, kịch bản tại tất cả các khu vực bỏ phiếu; phương án, kịch bản tổ chức bầu cử cho những người đang thực hiện cách ly tại nhà, tại những nơi cách ly tập trung và nơi đang thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; phương án, kịch bản tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với tinh thần không lơ là, chủ quan, đề nghị các quận, huyện, thị xã cần rà soát lại tất cả công việc, bám sát lộ trình đã đề ra.

Tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh, nhất là đơn thư khiếu nại tố cáo; đồng thời rà soát kỹ danh sách cử tri; tiếp tục tổ chức hình thức mạn đàm phù hợp để lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. "Tập trung cao độ và toàn lực lượng để đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử", ông Tuấn nhấn mạnh.

Bầu cử ở Hà Nội: Người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm toàn diện - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, thời gian từ nay đến ngày bầu cử (23/5) không còn nhiều, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bầu cử, về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri đối với ngày bầu cử, về tiểu sử các ứng cử viên...

"Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, bằng nhiều hình thức, phù hợp với các nhóm đối tượng; kết hợp tuyên truyền về bầu cử với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19", bà Tuyến cho hay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý, theo quy định, đến ngày 13/5 sẽ không tiếp nhận, xử lý đơn thư mới liên quan đến bầu cử, tuy nhiên các đơn vị, các quận, huyện, thị xã tiếp tục xác minh và thông báo cho người có đơn thư về việc đã tiếp nhận.

Bà Tuyến yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, nhất là hòm phiếu, phiếu bầu, dấu của các tổ bầu cử; bổ sung hòm phiếu phụ đối với những địa phương có nhiều điểm khoanh vùng, cách ly. Đặc biệt, tiếp tục rà soát danh sách cử tri, tập huấn cho thành viên các tổ bầu cử, nhất là về quản lý phiếu, kiểm phiếu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Công an thành phố chủ trì, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho ngày bầu cử; Bí thư các quận, huyện, thị ủy rà soát lại kịch bản của hơn 4.000 khu vực bỏ phiếu; các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục kiểm tra công tác bầu cử và phòng, chống dịch tại các đơn vị.

"Thường trực Thành ủy giao Ủy ban Bầu cử Thành phố, các tiểu ban liên quan, đặc biệt là Bí thư các quận, huyện, thị ủy chịu trách nhiệm toàn diện về thành công của công tác bầu cử trên địa bàn", bà Tuyến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem