Hà Nội: Nới lỏng chứ không buông lỏng, tụ tập đông người có thể bị xử phạt

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 23/09/2021 10:19 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách chứ không buông lỏng phòng chống dịch, vì vậy việc người dân lưu thông từ nơi này đến nơi khác không có lý do chính đáng hay tụ tập đông người có thể vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận 0

Khuyến cáo không tụ tập đông người

Ngay sau khi Hà Nội không kiểm soát giấy đi đường, người dân đã lưu thông nhiều hơn, đường phố tấp nập. Thậm chí có những người ra đường chỉ để "hưởng không khí đêm trung thu". 

Nhưng trên thực tế, Hà Nội vẫn chưa về trạng thái bình thường mới, có thể vẫn có ca bệnh tiềm ẩn ở ngoài cộng đồng.

"Hiện nay, Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 chứ chưa bỏ hết giãn cách, vì vậy việc người dân tụ tập tại nơi công cộng quá 10 người như vậy là vi phạm quy định. 

Xem hình ảnh đường phố đông đúc tôi thực sự cảm thấy lo lắng, nhất là trong khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp như hiện nay", bà Hoàng Thị Hoa (45 tuổi) ở quận Đống Đa, Hà Nội nói.

Bà Hoa cho biết, do còn tâm lý lo ngại bà cùng gia đình ở nhà, không đi ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hùng, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, hiện nay, dù nhiều người dân ở Hà Nội đã được tiêm vaccine nhưng tỷ lệ tiêm chưa cao, chưa thể đạt được hệ miễn dịch cộng đồng.

Vì vậy, anh Hùng cho rằng, đối với những người dân chưa tiêm đủ mũi 2 vẫn cần phải hạn chế đi lại, tránh tụ tập nơi đông người, đảm bảo việc thực hiện 5K.

“Biển người” đổ ra đường đêm Trung thu có vi phạm Chỉ thị 15? - Ảnh 1.

Dòng người nối nhau đổ về khu vực trung tâm TP.Hà Nội trên các tuyến phố như Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Mã...tối 21/9 ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Hơn 2 tháng nay người dân mới được nới lỏng trong việc đi lại nên tâm lý mọi người ai cũng muốn ra đường đi chơi. 

Tuy nhiên, nếu người dân ùn ùn đổ về một khu vực như tối hôm trước thực sực đáng lo ngại, mọi người chủ quan trong công tác phòng chống dịch", anh Hùng nói.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết thêm, khi lượng người đổ về khu vực phố cổ quá đông, lực lượng chức năng tại các chốt chặn đã nhắc nhở, yêu cầu người dân không tụ tập đông người.

"Lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở những người dân tụ tập đông người, vi phạm khoảng cách và yêu cầu người dân giải tán chứ chưa xử phạt các trường hợp này. Trong bối cảnh như tối qua, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành công tác phòng chống dịch Covid-19", ông Long thông tin.

Có thể xử phạt việc tụ tập nơi đông người ở nơi công cộng

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, hiện nay Hà Nội vẫn áp dụng và duy trì Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020; Bổ sung áp dụng Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 20/9/2021.

Trong đó, Chỉ thị số 22 của UBND TP.Hà Nội yêu cầu đối với các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch);

Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

“Biển người” đổ ra đường đêm Trung thu có vi phạm Chỉ thị 15? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Như vậy, việc Hà Nội áp dụng một số biện pháp nới lỏng giãn cách không đồng nghĩa với việc gỡ bỏ hoàn toàn cách biện pháp, quy định về phòng chống dịch bệnh. Thêm nữa, người dân tập trung đông quá 10 người và không giữ đủ khoảng cách 2m là vi phạm quy định.

Theo Nghị Định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020, người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng; hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp cố tình vi phạm 5K gây hậu quả nghiêm trọng (làm lây lan dịch bệnh cho người khác) có thể xem xét xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổ, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, với mức phạt tù tối thiểu từ 1 năm đến tối đa 12 năm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: Việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch. Thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

"Rất đáng trách là rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng. Vì việc này thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô bị thách thức rất lớn", ông Phong cho hay.

Thông qua sự việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội mong rằng mọi người dân đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.

"Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan", ông Phong nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem