Nỗi sợ "bung, toang" sau đêm Trung Thu

Nguyễn An Thanh Thứ tư, ngày 22/09/2021 10:41 AM (GMT+7)
Sau 60 ngày "ai ở đâu ngồi yên đấy" thì theo đúng như quy luật lò xo, mọi người bung ra đường đón Tết Trung Thu. Dường như người ta chỉ sợ bị phạt 2 triệu chứ không sợ Covid.
Bình luận 0

Hôm qua, Hà Nội và TP.HCM đón Trung thu theo 2 cách trái ngược nhau. Phần lớn, các em nhỏ TP.HCM đã có một đêm Trung Thu trong nhà, không có múa lân, không rước đèn ông sao, không mâm cỗ. Thậm chí, có nhiều em đã không có bố, mẹ người thân ở bên, như một bài thơ được nhắc lại dịp này: "Con sợ trăng sáng quá/vì trên sân nhà mình/trăng sẽ/soi rõ/một mình con". Đơn giản vì trong căn nhà ấy "Mẹ ơi, Trung thu này ai bày cỗ cho con?/Ba ơi, ai cùng con tùng dinh dinh rước ông sư tử?".

Nhưng Hà Nội lại khác, 6 giờ sáng 21/9 Hà Nội không áp dụng quy định phân vùng, không kiểm soát giấy đi đường, vì vậy người dân có thể ra đường thoải mái. Sau 61 ngày phải "ai ở đâu ngồi yên đấy" thì theo đúng như "quy luật lò xo", mọi người không kể già, trẻ, gái trai đã bung ra đường. Hàng ngàn người và phương tiện đã đổ dồn về các tuyến phố trung tâm Hà Nội để đi chơi đêm rằm Trung thu. Các đường lớn như Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Lê Duẩn cũng đông nghẹt "biển người", các quy định về khoảng cách đã bị người dân bỏ lại sau lưng. 

Đông nhất phải kể để các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ, đặc biệt là là phố Hàng Mã phải đến hơn 2 vạn người có mặt trong đêm hội Trung Thu. Đến 19h30, vì lượng người đổ về quá đông, phường Hàng Mã phải quyết định tạm "phong tỏa" phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), không cho người dân vào đi bộ, tham quan mua sắm để tránh việc người dân chen chúc, tụ tập đông người. Nhưng điều này chỉ khiến cho dòng ngưởi tỏa sang hướng khác mà thôi. Tuyến đường Hàng Bài hướng về khu vực hồ Hoàn Kiếm, các phương tiện lưu thông chen nhau, xảy ra tình trạng ùn tắc hàng dài.

Có thể nói đêm 21/9 Hà Nội đã không áp dụng Chỉ thị 22 vừa ban hành cách đó 24 giờ, các quận, huyện trong Thành phố dù cố gắng nhưng bất lực trong việc hạn chế người, phương tiện ra khỏi nhà. Chính quyền các cấp, lực lượng CSGT, CA, dân phòng đã vào cuộc, nhưng trước dòng người như thế, không có kịch bản trước thì không thể làm gì hơn là đứng bên cạnh nhìn "biển người" chầm chậm di chuyển khắp phố phường, dưới ánh trăng. Tết Trung thu được hiểu dành cho trẻ em nhưng không ít người lớn vẫn mượn cớ để ra đường, với những lý do "cần thiết".

Nỗi sợ "bung, toang" sau đêm Trung Thu - Ảnh 2.

Tối qua, trên các tuyến phố như Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Mã... dòng người đi lại tấp tập, nối đuôi nhau trên đường. Ảnh: danviet.vn

Một nhà báo người Úc có mặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm cho biết: "Đúng là các bạn chỉ sợ bị phạt 2 triệu, chứ không sợ Covid-19. Ai cũng biết ra đường trong buổi tối hôm nay thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng mọi người vẫn xách xe ra khỏi nhà, thậm chí có nhiều người còn mang theo trẻ em trên tay. Dường như người dân sợ, nếu không tận hưởng không khí đông vui, không khéo trong thời gian tới lại tiếp tục bị giãn cách". Nhìn cảnh đường phố, nhiều người lắc đầu cho cho rằng: Giãn cách, lập chốt thì dân kêu, vừa mở cửa một cái thì hàng ngàn người tràn ra khỏi đường. Vậy bây giờ chính quyền phải làm thế nào để hài lòng dư luận? Câu hỏi này, dành có lẽ không chỉ dành cho người dân, mà trước hết thuộc về chính quyền thành phố. 

Câu chuyện đóng-mở thời Covid-19 là điều không mới, thậm chí việc UBND quận Hoàn Kiếm đóng cửa các phố đi bộ dịp 30/4 và 1/5 được coi là một trong những quyết định sáng suốt khiến cho Hà Nội giữ vững trận địa. Ngay việc quyết định đóng cửa Hà Nội ngày 24/7, trong thời điểm Quốc hội đang họp cũng được các chuyên gia dịch tễ đánh giá dũng cảm, kịp thời.

Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội mới có vài chục ca dương tính thì quyết định đó là quá vội vã. Nhưng ở thời điểm đó, đã có những ước tính số ca dương tính trong cộng đồng được phát hiện ở Hà Nội hàng ngày đang tăng như ở TP HCM cách đó 2 tháng. Chưa kể, mỗi ngày có hàng chục chuyến máy bay bay về Hà Nội với hơn chục ngàn người mỗi ngày; tính riêng cửa ngõ phía Nam mỗi ngày có khoảng 64.000 chuyến ô tô đổ về Thủ đô qua cửa Pháp Vân- Cầu Giẽ, không mạnh tay là bùng phát dịch. Nếu không cương quyết phong tỏa mạnh từ ngày 24/7, chưa chắc Thủ đô đã kiểm soát được dịch bệnh tốt như ngày nay.

Khi Hà Nội xét nghiệm hàng triệu người mà chỉ ra 19 ca dương tính thì có nghĩa là Hà Nội "sạch F0" rồi, có thể bắt đầu mở cửa được rồi. Khi mà Hà Nội với đóng góp 20% GDP cả nước, có rất nhiều công ty FDI lên tiếng thì cần sớm khởi động lại mặt trận kinh tế là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy. Nói thế để chia sẻ, Hà Nội không thể không mở cửa sau hơn 2 tháng giãn cách và nói cho cùng có những thời điểm, có những quyết sách gây dậy sóng dư luận nhưng con số chỉ 29 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,69% trong tổng số người lây nhiễm rất đáng ghi nhận. 

Tỷ lệ này trên thế giới luôn dao động trung bình 2,4%, nếu so sánh với tình hình dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố trong nước, khu vực và trên thế giới, con số trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Hà Nội trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, nhất là đối với chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Hà Nội đã tuân thủ các khuyến cáo của WHO, đặt mục tiêu cao nhất của chống dịch là giảm số F0 và hạn chế ca tử vong.

Nhưng sự kiện hàng vạn người dân Hà Nội đổ ra đường đêm Trung Thu cho thấy 2 vấn đề. Cán bộ tham mưu của Hà Nội đã thiếu nhạy bén trong việc chọn thời điểm "mở cửa", chắc chắn dời cột mốc thời gian 6 giờ ngày 21/9 thì tình hình sẽ khác. Người dân theo nguyên lý "lò xo" vẫn sẽ ra đường rất đông, nhưng không xẩy ra đông nghẹt như đêm Rằm. Các chuyên gia chống dịch cho rằng: Cán bộ ta làm việc theo lịch dương quen rồi, nên đã quên lịch âm, quên đi Tết Trung thu truyền thống. Một nhắc nhở không sai, nếu như không muốn nói là không cẩn thận trong việc nghiên cứu tâm lý đám đông và các giải pháp sau mở cửa. Trước đó, hình ảnh người dân dậy 4 giờ sáng đi xếp hàng đông nghịt để mua bánh Trung thu đã là cảnh báo mà không mấy ai quan tâm.

Sự việc cho thấy ý thức của người dân trong việc phòng, chống Covid-19 chưa cao, các giải pháp cần phải tính đến điều này. Singapore đã có hơn 80% dân số tiêm chủng vaccine, nhưng số ca nhiễm gia tăng sau khi Singapore bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch đã buộc chính quyền nước này tạm dừng kế hoạch mở cửa. Điều này có nghĩa, nếu không có những biện pháp căn cơ thì niềm vui vừa được hết giãn cách lại đóng sập. Bài học về các bãi biển đông nghịt người dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lại ám ảnh không biết bao gia đình.

Phải nói, đến giờ thì Hà Nội đang làm tốt việc đóng hơn là mở. Không chỉ "bài học Trung thu" mà giờ đây trong lộ trình mở cửa các dịch vụ, Hà Nội cần phải có sự nghiên cứu thấu đáo về tâm lý người dân, tâm lý tiêu dùng của số đông người dân sau hơn 2 tháng ở trong nhà.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem