Hà Nội phấn đấu 50% sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi

Hải Đăng Thứ tư, ngày 09/05/2018 13:15 PM (GMT+7)
Mặc dù Hà Nội đã quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn khá bấp bênh. Ngành nông nghiệp Thủ đô đang rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp nhu cầu thị trường.
Bình luận 0

Thị trường thiếu ổn định

Đến nay, Hà Nội đã mở rộng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư gồm: 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn và 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm.

Ngoài ra, thành phố cũng phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; hình thành 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín với diện tích hơn 4.200ha.

img

TP.Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm. Ảnh: H.Đ

Tuy nhiên, trong thời gian qua, với đà tăng trưởng "nóng", giá sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản liên tục giảm, nguyên nhân chính là do mất cân đối cung-cầu. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi qua hợp đồng, theo chuỗi mới chỉ đạt khoảng 10% tổng khối lượng sản phẩm chăn nuôi và dưới 2% đối với sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Bà Vương Thị Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, mặc dù huyện đã có quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm rất chật vật. Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, mặc dù đã có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tới gần 1.000ha tại các xã Trung Tú, Phương Tú, Trầm Lộng… nhưng các trang trại nuôi loại cá gì và tiêu thụ sản phẩm ra sao vẫn là bài toán bỏ ngỏ, do nông dân tự sản, tự tiêu.

img

Bà Nguyễn Thị Liên bên trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội).  Ảnh: Hải Đăng

"Để hóa giải khó khăn, ngành nông nghiệp Hà Nội đang rà soát chiến lược phát triển ngành với đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo đó, đàn gia cầm duy trì 30 triệu con/năm, đàn lợn từ 1,6 - 1,8 triệu con; nuôi trồng thủy sản tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 7 - 8%/năm; sản lượng thủy sản nuôi đạt 105.000 tấn/năm”.

Ông Nguyễn Huy Đăng

Tái cơ cấu chăn nuôi theo 3 nội dung lớn

Với phương châm không chỉ cung cấp những sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người chăn nuôi, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã thực hiện quy trình nuôi lợn, gà nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch.

Tất cả các công đoạn nuôi giun, nấu cám đều được thực hiện theo đúng quy trình. Thức ăn cho lợn, gà hoàn toàn được chế biến từ giun quế và các sản phẩm nông nghiệp sạch, được nấu chín. Hiện tại, trang trại của bà Liên lúc nào cũng có hơn 300 con lợn, 500 con gà.

Hàng tuần, trang trại của bà Liên cung ứng cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch tại Hà Nội khoảng 1.000kg thịt lợn. Hàng tháng, trang trại cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn giun giống. Trừ chi phí, bà Liên thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Bà Liên cho hay, vừa qua sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại đã thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu bảo hộ. Thời gian tới, bà sẽ đưa khu giết mổ vào vận hành, sản phẩm sẽ được chế biến và đóng gói ngay tại trang trại, thay vì bán thịt lợn hơi như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, định hướng thời gian tới sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo 3 nội dung gồm: Cơ cấu giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

"Thay vì mở rộng diện tích, các địa phương nên tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản. Thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 có 20% số sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn được bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết và đến năm 2030 con số này được nâng lên là 50%" - ông Đăng khẳng định.

Ông Đăng đề nghị, Trung tâm Phát triển chăn nuôi cần tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo quy hoạch của Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu đi kèm với chất lượng.

“Cần gắn công tác phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới; phải xác định rõ phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để tạo ra số lượng hàng hóa lớn với chất lượng ổn định, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Đặc biệt, Hà Nội vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chuỗi, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm an toàn, sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc” - ông Đăng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem