Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm được gắn "sao"

Bình Minh Thứ ba, ngày 05/03/2024 09:58 AM (GMT+7)
Ngày 4/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Quyết định số 1147 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao TP Hà Nội năm 2023.
Bình luận 0

Theo đó, UBND TP Hà Nội phân hạng và cấp giấy chứng nhận đối với 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp TP Hà Nội năm 2023.

Trong số các huyện có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đợt này, 3 huyện: Thanh Trì, Chương Mỹ và Phú Xuyên có nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao nhất, mỗi địa phương có 12 sản phẩm được chứng nhận.

Với việc công nhận 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cho thấy Hà Nội đã, đang là "đầu tàu" cả nước trong Chương trình OCOP. Tính đến cuối năm 2023, Hà Nội đã công nhận được 2.167 trong tổng số 9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 06 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, năm 2023, thành phố giao các quận, huyện, thị xã đánh giá 400 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đáng mừng là đã có 26 quận, huyện, thị xã đánh giá được 544 sản phẩm, trong đó có 20 quận, huyện với 104 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao; 50 sản phẩm tham gia đánh giá lại và 54 sản phẩm được đưa ra đánh giá lần đầu.

Ông Chí cho biết, năm 2023, đánh giá sản phẩm OCOP theo tiêu chí mới theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao trước đây chưa có chứng nhận trên, giờ phải đánh giá lại. Để tháo gỡ khó khăn này, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các chủ thể tham gia triển khai việc cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ nhằm nâng cấp sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao trên địa bàn.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm được gắn "sao"- Ảnh 1.

Tại Quyết định số 1147, 2 sản phẩm gối kết hôn tơ sen và khăn lụa tơ tằm dệt nổi hoa sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Ảnh: Khánh Vi Phạm

Hà Nội có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Hiện TP có 1.350 làng nghề, trong đó 321 làng nghề truyền thống đã được công nhận.

Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay. Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn cũng như xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.

Nhằm phát triển các sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống, trong năm 2023, Hà Nội đã xây dựng các mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Đức), Vân Hà (huyện Đông Anh), Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), Vạn Phúc (quận Hà Đông)...

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem