Trứng gia cầm khó bán, 2.000 tấn nhãn chín muộn đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được
Hà Nội: Trứng gia cầm khó bán, 2.000 tấn nhãn chín muộn đặc sản nguy cơ không tiêu thụ được
Minh Ngọc
Thứ tư, ngày 01/09/2021 11:31 AM (GMT+7)
Thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn TP. Hà Nội đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Trong đó, 2.000 tấn nhãn chín muốn của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) và sản phẩm trứng vịt, trứng gà của huyện Thanh Oai đang "bí" đầu ra.
Ngày 1/9, Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn".
Tại diễn đàn, các cơ sở sản xuất, Hợp tác xã (HTX) đã nêu lên những khó khăn tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Trần Anh Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) cho biết, mặc dù đã được Sở Công Thương, Sở NNPTNT Hà Nội và các sở ngành, tổ chức đoàn thể các quận, huyện, thị xã hỗ trợ tiêu thụ.
Nhưng, đến nay khoảng 2.000 tấn nhãn chuẩn bị thu hoạch đang rất nhiều khó khăn tìm đầu ra, giá thấp và đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được.
Được biết, HTX Nông nghiệp Đại Thành nổi tiếng với sản phẩm nhãn chín muộn. Nhãn có xuất xứ từ một cây nhãn "tổ" trên 130 năm tuổi ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành.
Theo ông Khoa, đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành là quả nhãn có đặc điểm cùi dày, giòn, ráo nước, dễ tách, vị thơm và ngọt đậm, khối lượng trung bình đạt 70 - 75 quả/kg, đặc biệt thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn đại trà khác khoảng 1 tháng từ 20/8 – 20/9.
Nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai". Sản phẩm nhãn đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Đối với thị trường trong nước đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị như Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Green Path; Công ty thực phẩm sạch Biggreen; Công ty cổ phần 5S PRO...với sản lượng/vụ trên 100 tấn.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Đại Thành có tổng diện tích 210ha (trong đó có 50ha sản xuất theo quy trình tiêu chuẩnVietGAP), hàng năm cho sản lượng từ 3.000 tấn.
Năm 2021, được đánh giá là năm được mùa nhãn, tổng sản lượng nhãn chín muộn khoảng 3.000 tấn. Giá nhãn loại 1 từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; Giá nhãn loại 2 từ 11.000 - 16.000 đồng/kg.
Tại huyện Thanh Oai, ông Dương Bá Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, huyện Thanh Oai có tổng đàn gia cầm gần 1,5 triệu con (50% đẻ trứng). Trứng gia cầm 500.000 quả/ngày, tiêu thụ tại huyện khoảng 100.000 quả/ngày (còn 80% cần tiêu thụ ngoài huyện 400.000 quả/ngày).
Đơn cử như xã Liên Châu với sản phẩm trứng vịt trắng của 3 hộ gia đình là ông Lê Văn Trẻo, Lê Văn Hải và Lê Văn Phương, có sản phẩm đạt OCOP 3 sao và tiêu chuẩn VietGAP, với số lượng 16.800 quả/ngày, giá 3.000 đồng/quả.
Hay như tại xã Hồng Dương với sản phẩm trứng gà đỏ của 2 hộ gia đình là ông Lê Hữu Giang, ông Nguyễn Văn Thứ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, với số lượng 14.000 quả/ngày, giá 2.300 đồng/quả.
Ông Mẫn cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm cho các hộ nông dân, nếu mua nhiều trên 5.000 quả thì huyện Thanh Oai sẽ hỗ trợ vận chuyển đến tận nơi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.