Trồng giống bưởi đặc sản gì mà trái ra quá trời, dịch Covid-19 nông dân Quảng Ngãi bán vẫn lời?
Quảng Ngãi: Trồng giống bưởi đặc sản gì mà trái ra quá trời, dịch Covid-19 dân bán vẫn có lời?
Mạnh Hùng (TTKN tỉnh Quảng Ngãi/TTKN QG)
Thứ ba, ngày 31/08/2021 23:53 PM (GMT+7)
Bưởi da xanh là 1 trong 4 loại quả được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu “Trái cây Nghĩa Hành”. Đây là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh vươn đến thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao giá trị của quả bưởi.
Trong những ngày này, khi đến huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) không khó để bắt gặp những vườn bưởi da xanh lúc lỉu quả đang độ chín. Hương thơm từ những vườn bưởi bay tỏa khắp cả một vùng.
Vụ chính thu hoạch bưởi da xanh từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch và kéo dài đến dịp Tết Nguyên đán.
Theo thống kê, huyện Nghĩa Hành hiện có khoảng 150 ha trồng bưởi da xanh. Nhiều hộ nông dân trồng bưởi có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/mỗi vụ bưởi.
Theo các hộ dân trồng bưởi da xanh ở Nghĩa Hành thì năm nay cây bưởi cho năng suất cao nhất, trọng lượng quả đạt từ 1,2 – 2kg.
Dù đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng đầu ra của quả bưởi vẫn ổn định, tuy giá bán không cao nhưng người trồng bưởi vẫn có lãi, các nhà vườn rất phấn khởi.
Dưới cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng 8 (tháng 7 âm lịch), trên con đường dẫn vào xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những vườn bưởi da xanh sai trĩu quả. Trong các vườn bưởi, nông dân đang tất bật chăm sóc từng gốc bưởi.
Ông Trịnh Ngọc Thế ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh đang nhặt cỏ trong vườn bưởi cho biết, gia đình ông trồng 100 cây bưởi da xanh đã được 7 năm tuổi.
Năm nay cây bưởi da xanh cho nhiều quả nhất trong các năm, 100 cây bưởi của gia đình ông có thể thu được gần 4.000 quả bưởi.
Do đang bị ảnh hưởng bởi đại Dịch Covid-19 nên giá bưởi đầu vụ chỉ khoảng 30.000 – 33.000 đồng/kg, thấp hơn 5.000 – 8.000 đồng so với thời điểm bưởi có giá nhất, nhưng bù lại năm nay bưởi đạt sản lượng cao nên gia đình ông vẫn có thu nhập khoảng 175 – 200 triệu đồng.
Cũng theo ông Thế, cây bưởi phải trồng đến năm thứ 4 mới bắt đầu cho thu hoạch, do vậy thời gian chăm sóc rất dài.
Để cây bưởi da xanh phát triển tốt, gia đình ông chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai và tưới nước thường xuyên.
Cây bưởi da xnah rất hay bị sâu đục thân phá hoại, vì vậy phải thường xuyên phòng trừ loại sâu này. Khi bưởi ra quả phải dùng bao quả để không bị ruồi đục quả gây hại. Sau mỗi vụ bưởi ông đúc kết kinh nghiệm chăm sóc bưởi cho các vụ sau.
Trên diện tích 5.000m2, vườn của gia đình ông Phạm Đạt ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh đang trồng các loại cây bưởi da xanh, chanh, cam, quýt, sầu riêng, mít thái, dừa dứa,…
Ông Phạm Đạt cho biết: “Tôi đã làm vườn được hơn 20 năm nay, ở trong vườn nhà tôi có những cây cũng đã được 20 năm tuổi, hiện nay cam, bưởi da xanh, mít thái đang cho thu hoạch. Nhờ vườn cây này mà mỗi năm tôi bán ra hơn 2 tấn mít thái, 1 tấn bưởi cùng cam, quýt… thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm...
"Riêng cây bưởi da xanh này rất phù hợp với vùng đất và điều kiện thời tiết khí hậu của nơi đây, cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt, quả đẹp và có chất lượng ngon, ngọt”, ông Đạt cho biết thêm.
Huyện Nghĩa Hành là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả có múi, trong đó cây bưởi đã và đang trở thành loại cây ăn quả đặc sản ở đây, đem lại thu nhập lớn cho nhiều hộ dân.
Để cho cây bưởi da xanh phát triển đúng định hướng, nâng cao được giá trị của cây bưởi, huyện Nghĩa Hành đã có nhiều giải pháp, đầu tiên phải kể đến là quy hoạch vùng phát triển cây bưởi theo hướng tập trung hàng hóa, bền vững.
Về lâu dài, huyện tuyên truyền, quảng bá, tham gia các gian hàng hội chợ nhằm đưa thương hiệu bưởi của Nghĩa Hành đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kĩ thuật trồng thâm canh cây bưởi theo hướng an toàn nhằm phát triển cây bưởi trong vùng một cách hiệu quả cả về năng suất và chất lượng.
Việc cây bưởi da xanh sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế những năm qua không chỉ góp phần nâng cao thu nhập của người dân mà còn mở ra hướng đi mới trong quá trình đa dạng cơ cấu cây trồng ở huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi).
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.