Hà Nội từng có "chiến dịch" quyết liệt lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, kết quả ra sao?

Nhật Minh Thứ sáu, ngày 24/02/2023 10:21 AM (GMT+7)
Cách đây 6 năm (tháng 2/2017), Hà Nội từng rầm rộ ra quân, quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa bàn nếu không xử lý được vi phạm lấn chiếm, trật tự vỉa hè.
Bình luận 0

Từng quyết liệt trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Công cuộc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ khởi phát phát từ trung tâm, quận Hoàn Kiếm. Trên địa bàn quận những hàng ăn, cơ sở kinh doanh, biển quảng cáo chiếm vỉa hè, xe cộ dừng đỗ dưới lòng đường đều bị cưỡng chế dọn dẹp, tịch thu, xử phạt.

Thậm chí, một số phường lập chốt canh để chống tái lấn chiếm. Khoảng thời gian sau đó, các tuyến phố du lịch nổi tiếng ở trung tâm quận Hoàn Kiếm không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, các cửa hàng, biển hiệu quảng cáo đều được lắp đặt đúng quy định.

Hà Nội từng rầm rộ ra quân, quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ như thế nào? - Ảnh 1.

Máy xúc, máy đục được huy động lấy lại vỉa hè cho người đi bộ 6 năm về trước.

Tiếp đến là các quận lân cận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng đồng loạt ra quân lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Sáng ngày 10/3/2017, quận Đống Đa đã huy động hàng chục máy xúc, máy khoan, máy đục được huy động đập bỏ bậc tam cấp xây lấn đất công.

Bậc thềm hàng trăm ngôi nhà, trong đó có cả trụ sở cơ quan Nhà nước như UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) lấn ra vỉa hè cả mét đều bị cưỡng chế đục bỏ. Mái vẩy, biển quảng cáo... chiếm không gian chung bị tháo dỡ, người bán hàng rong không còn cửa mưu sinh.

Hà Nội từng rầm rộ ra quân, quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ như thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều gia đình xin tự tháo dỡ để không bị ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà đang ở.

Ngoài việc cắt xén phần lấn chiếm vỉa hè của nhà dân, cơ quan Nhà nước, một nội dung được đẩy mạnh là xử lý các xe dừng đỗ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 

Theo thống kê vào thời điểm đó của Công an Hà Nội cho thấy, gần 18.000 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông bị xử phạt với số tiền cả chục tỷ đồng.

Điển hình nhất phải kể đến phố Xã Đàn (quận Đống Đa), chỉ trong vài ngày con phố này ngổn ngang cát đá vì bị máy xúc, máy đục phá bỏ bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí, nhiều gia đình xin tự phá bỏ vì lo sợ máy xúc, máy đục sẽ làm hỏng kết cấu của căn nhà đang ở.

Trong khi đó nhiều công trình kiên cố như nhà hàng, nhà ở cao 2-3 tầng, gara ôtô xây dựng sai phép cũng bị đập bỏ. Điển hình như bãi đỗ xe lợp tôn hàng nghìn m2 của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội xây trên đất dự án công viên đường Kim Giang (Thanh Xuân), hàng chục nhà hàng, nhà ở, trung tâm sửa chữa ôtô, xe máy đường Nghiêm Xuân Yêm (Thanh Trì).

Hà Nội từng rầm rộ ra quân, quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ như thế nào? - Ảnh 3.

Nhiều ngôi nhà kiên cố, bãi xe lấn chiếm đất công, vỉa hè bị xóa bỏ.

Đợt cao điểm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ của TP.Hà Nội kéo dài đến hết năm 2017. Kết thúc chiến dịch, vỉa hè ở Hà Nội đã thông thoáng hơn, người đi bộ trên nhiều tuyến phố cũng tìm được một lối đi đúng nghĩa.

Tái diễn lấn chiếm vỉa hè

Tuy nhiên chỉ một năm sau, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn. Ở các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm cảnh tượng xe máy, hàng ăn, quán nhậu, bãi đậu xe ô tô mọc lên, người đi bộ lại phải tìm cho mình một lối đi riêng dưới lòng đường.

Nhiều năm tiếp theo, công tác trật tự đô thị trong đó có việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn được tiếp tục nhưng không có đợt "cao điểm" quyết liệt như năm 2017. Mới đây, TP.Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng

Hà Nội từng rầm rộ ra quân, quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ như thế nào? - Ảnh 4.

Hình ảnh vỉa hè bị lấn chiếm tại trung tâm quận Hoàn Kiếm mới đây. (Ảnh: Viết Niệm).

Hà Nội từng rầm rộ ra quân, quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ như thế nào? - Ảnh 5.

Xe máy, ô tô, quán ăn, cafe chiếm hết vỉa hè của người đi bộ. (Ảnh: Viết Niệm).

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị ra quân xóa bỏ các điểm chiếm dụng vỉa hè trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện giao thông. Đồng thời ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023.

Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn; phát hiện, xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.

Ban Chỉ đạo 197 đề nghị các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".

Người dân Thủ đô mong đợi việc lập lại trật tự đô thị không chỉ tiến hành trong các đợt cao điểm mà phải là công việc thường xuyên, liên tục để vỉa hè, lòng được thực hiện đúng chức năng phục vụ người đi bộ, người tham gia giao thông.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem