Hà Nội xây dựng nông thôn mới cấp độ cao hơn: Kiểu mẫu, mang bản sắc riêng
Hà Nội xây dựng nông thôn mới cấp độ cao hơn: Kiểu mẫu, mang bản sắc riêng
Thiên Hương
Thứ bảy, ngày 10/12/2022 12:32 PM (GMT+7)
Cùng với một số địa phương trên cả nước, Hà Nội đang bước vào giai đoạn 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cấp độ cao hơn, đó là NTM kiểu mẫu, trong đó đặc biệt chú trọng việc phát huy thế mạnh của mỗi địa phương nhằm tạo nên những xã NTM kiểu mẫu mang bản sắc riêng…
Tháng 8, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 về việc ban hành bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, bộ tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 quy định phải đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải hoàn thành các tiêu chí bắt buộc gồm: Thu nhập; mô hình nông thôn thông minh và tiêu chí tự chọn.
Theo rà soát, đến thời điểm này Hà Nội đã có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đều ở huyện Đan Phượng, được đánh giá theo bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 (Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) trên 7 lĩnh vực.
Đặc biệt, xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về 5 lĩnh vực: Môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch.
Được biết, từ năm 2018, xã Đan Phượng đã đạt chuẩn NTM nâng cao và trở thành xã điển hình của Thủ đô. Nhưng không dừng lại với thành tích đó, năm 2019 xã tiếp tục triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, đi vào chiều sâu và chất lượng cả về mặt cơ sở vật chất, thu nhập, môi trường...
Nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua cũng như việc công khai, minh bạch, dân chủ, xã đã huy động được toàn dân chung sức tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu.
Trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, đáng chú ý là trang trại trồng rau hữu cơ diện tích 4,64ha của HTX rau hữu cơ Cuối Quý cho giá trị 750 triệu đồng/ha/năm. Các nghề dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp ở xã này cũng rất phát triển, với 500 hộ sản xuất, kinh doanh. Điểm công nghệ làng nghề 28ha ở xã Đan Phượng có 84 công ty, doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt 76,67 triệu đồng/năm.
Năm 2022, huyện Đan Phượng phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến các xã, thị trấn, làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chính quyền số, kinh tế số.
ÔngNguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM cho biết, chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã tạo nên phong trào thi đua mới, người có của góp của, có sức thì góp sức, có ý tưởng thì hiến kế..., từ đó làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, phát huy thế mạnh của xã, huyện.
Ví dụ, nhiều vùng nông thôn của Hà Nội có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ; là nơi lý tưởng thu hút dân cư nội thành đến trải nghiệm cuộc sống thôn quê. Đó chính là những lợi thế mà các xã như Đường Lâm (Sơn Tây), Hồng Vân (Thường Tín), một số xã của huyện Ba Vì đang làm hiệu quả.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, TP.Hà Nội yêu cầu các địa phương thay đổi mạnh mẽ về tư duy; nhận thức toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế.
Hiện, Văn phòng Điều phối đang cùng với các địa phương tiếp tục rà soát chính sách về hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đặc biệt tại các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản và đầu tư cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho nông dân...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.