Hà Nội xưa lên... gốm

Thứ tư, ngày 04/09/2013 06:46 AM (GMT+7)
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - chủ nhân ý tưởng của công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng đang bắt tay thực hiện đề án vĩnh cửu hóa những hình ảnh của Hà Nội xưa trên gốm. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với chị về đề án này.
Bình luận 0
Chị đam mê và dường như rất có duyên với kỹ thuật in tranh, ảnh trên gốm, điều gì làm chị say mê đến vậy?

- Từ khi bén duyên với gốm, tôi đã ngay lập tức bị hút hồn bởi kỹ thuật in ảnh trên chất liệu đặc biệt này. Khi đó, ở Hà Nội cũng có một vài cơ sở có công nghệ in tranh, ảnh lên gốm nhưng phần lớn chỉ áp dụng với những hình ảnh có kích thước nhỏ để làm đồ lưu niệm như cốc, bát, chai lọ... Thêm nữa, khi phơi sương, nắng, dần dần những hình ảnh này bị phai màu và mờ dần đi.

Họa sĩ Thu Thủy và ảnh Hà Nội xưa in trên cột gốm.
Họa sĩ Thu Thủy và ảnh Hà Nội xưa in trên cột gốm.

Vì thế, từ lúc ấp ủ đưa những hình ảnh của Hà Nội xưa cũ đến gần hơn với công chúng trên Con đường gốm sứ, tôi cùng các cộng sự đã mày mò tìm hiểu từng công đoạn từ loại đất để làm cốt, đến kỹ thuật in, nhiệt độ nung... Sau rất nhiều thời gian, tâm huyết và tiền của cùng vô số những mẻ gốm vừa ra lò đã được xếp vào sọt hàng phế phẩm, thì cuối cùng, những tác phẩm in hình vĩnh cửu đầu tiên đã hoàn tất và xuất hiện trong Triển lãm “Dấu ấn Hà Nội” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cách đây 2 năm.

Người xem những tác phẩm này đã nói gì với chị?

- Ngay lần đầu ra mắt, những cột tranh gốm in hình Hà Nội xưa đã thu hút sự quan tâm của người yêu nghệ thuật. Có lẽ độ sống động của tác phẩm in trên gốm khiến ngay cả một số vị đại diện của các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam khi tham dự triển lãm đã tìm gặp chúng tôi bày tỏ mong muốn được in hình ảnh của đất nước họ trên chất liệu đặc biệt đó. Đây chính là nguồn động lực lớn lao khiến tôi và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu tìm cách làm chủ kỹ thuật lưu giữ hình ảnh trên gốm.

Nếu những lần đầu tiên năm 2010 sản phẩm ra đời chỉ mang tính thử nghiệm, thì nay chúng tôi đã thực sự làm chủ công nghệ này bằng việc áp dụng nhiệt nặng lửa (nung trên 1.200 độ C) giúp hóa giải hiện tượng bay màu, bay nét... khiến các bức hình vượt ra khỏi sự tác động của khí hậu mưa, nắng khắc nghiệt. Đó chính kỹ thuật là điều khiến các bức ảnh trở thành vĩnh cửu.

Những bức ảnh về Hà Nội xưa để in lên gốm trong đề án này, chị tìm kiếm từ những nguồn nào, hiện nay số lượng là bao nhiêu chiếc?

"Những hình ảnh gốm này sẽ là những điểm nhấn trên Con đường gốm sứ, nó sẽ giúp cho người thưởng ngoạn hình dung rõ hơn về Thăng Long xưa và Hà Nội nay”.
Họa sĩ Thu Thủy


- Hiện nay tôi đã sưu tầm được hơn 2.000 bức ảnh lịch sử từ kho lưu trữ của Viện Viễn đông Bác cổ, phòng tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, bộ sưu tập ảnh của kiến trúc sư Đoàn Bắc và nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành...

Chúng tôi cũng chọn được gần 100 bức ảnh tiêu biểu để thể hiện đoạn tranh gốm sắp đặt ảnh Hà Nội cổ và Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng thủ đô vào tháng 10 năm sau. Nhiều bức ảnh quý trong ngày tiếp quản thủ đô 10.10.1954 sẽ lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi để người Hà Nội mãi nhớ về một thời hào hùng của thủ đô. Những bức ảnh này sẽ được sắp đặt trên nền bóng hình đồ hoạ những công trình kiến trúc thân quen của Hà Nội như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Cột cờ Hà Nội, phố cổ, cầu Long Biên theo phong cách đương đại.

Vậy ai sẽ là người quyết định việc chọn tác phẩm nào để in lên gốm?

- Khi xây dựng đề án, đó là những ý tưởng chủ quan của chúng tôi, hiện đề án này đang đợi UBND TP.Hà Nội phê duyệt, việc lựa chọn cụ thể bức ảnh nào sẽ hiện diện trên đoạn đường gốm ấy sẽ do hội đồng duyệt quyết định. Toàn bộ những bức hình sẽ được đưa ra hội đồng thẩm định gồm các nhà sử học, các nhà văn hóa xem xét và thẩm định. Những hình ảnh gốm này sẽ là những điểm nhấn trên Con đường gốm sứ, nó sẽ giúp cho người thưởng ngoạn hình dung rõ hơn về Thăng Long xưa và Hà Nội nay.

Ngoài những tác phẩm tranh Hà Nội xưa in trên các cột gốm, được biết chị còn được UBND TP. Hà Nội đặt hàng làm các tác phẩm khác nữa?

- Chúng tôi đã được UBND TP.Hà Nội giao thực hiện bức tranh gốm về sự kiện 40 năm Hiệp định Paris. Một lần nữa kỹ thuật in tranh trên gốm nhiệt nặng lửa đã giúp chúng tôi hoàn thành bức tranh gốm in hình ảnh Bác Hồ năm 1969, hình toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973... Sau lễ khánh thành tổ chức vào tháng 3.2013 tại thành phố Choisy le Roi (Pháp), một điều hết sức vinh dự là bức tranh gốm với những hình ảnh lịch sử này đã được trân trọng lưu giữ trên bức tường toà thị chính thành phố có lịch sử gắn bó với Việt Nam.

Xin cảm ơn chị!

Hà Thu (thực hiện) (Hà Thu (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem