Hà Nội yêu cầu công chức, viên chức, người lao động chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết

Sông Bùi Chủ nhật, ngày 01/08/2021 08:34 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới đến công sở và việc cấp giấy đi đường phải "đúng người, đúng việc".
Bình luận 0

Ngày 31/7, UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội trên địa bàn TP theo Chỉ thị 17/CT-UBND do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành ngày 23/7.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc mới ngoài cộng đồng liên tục gia tăng trong những ngày gần đây.

Để tận dụng hiệu quả thời gian giãn cách xã hội nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị (bao gồm các đơn vị trực thuộc) chấp hành việc giãn cách xã hội và quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 17/CT-UBND gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Hà Nội yêu cầu công chức, viên chức, người lao động chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết - Ảnh 1.

Lực lượng Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) hướng dẫn người dân làm giấy tờ cư trú sau khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. (Ảnh: Sông Bùi).

Các cơ quan, đơn vị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết (trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hành hoá dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch; công việc cần thiết khác theo yêu cầu của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị) mới đến làm việc trực tiếp tại công sở.

"Các đơn vị phê duyệt danh sách và cấp Giấy đi đường cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng Chỉ thị số 17/CT-UBND và chỉ đạo của UBND TP tại Công văn số 2434/UBND-KT", lãnh đạo Hà Nội nêu rõ.

Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về việc cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.

TP.Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn TP trong 15 ngày, kể từ 6 giờ ngày 24/7 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Hà Nội yêu cầu công chức, viên chức, người lao động chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết - Ảnh 2.

Lực lượng công an Hà Nội dừng xe người đi đường kiểm tra quá trình lưu thông trong thời gian TP giãn cách xã hội đúng quy định hay không. (Ảnh: Ngọc Hải).

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Để đảm bảo phòng chống dịch, TP đã phát phiếu cho người dân đi chợ, mua hàng hóa thiết yếu. TP cũng đã ban hành mẫu giấy đi đường cho những trường hợp được đi lại trong thời gian giãn cách xã hội.

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, trên nhiều tuyến đường, phố của Hà Nội lượng người dân ra đường khá đông, nhiều người có giấy xác nhận đi làm vẫn phải "quay đầu xe" hoặc bị xử phạt, vì lực lượng chức năng nhận định lý do ra đường "không cấp thiết".

Thậm chí vẫn còn tình trạng người dân ra đường không đeo khẩu trang, hoặc ra đường không vì mục đích thiết yếu, có người còn cự cãi, xô xát với lực lượng chức năng.

Công an TP.Hà Nội cho biết, từ 11h ngày 30/7 đến 11h ngày 31/7/2021, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 689 trường hợp vi phạm phòng chống dịch.

Trong đó, 105 trường hợp bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng; 9 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh; 575 trường hợp bị xử phạt với các hành vi vi phạm khác liên quan phòng, chống dịch Covid-19 (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).

Như vậy, sau hơn 1 tuần giãn cách xã hội toàn TP, các cơ quan chức năng của Hà Nội xử phạt hơn 8 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Sáng 1/8, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 18 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, gồm 7 người ở cộng đồng và 11 người tại khu cách ly. Những ca này Bộ Y tế chưa công bố, coi như ca nghi nhiễm.

18 trường hợp gồm hai người được phát hiện thông qua sàng lọc ho, sốt cộng đồng; 10 người thuộc chùm ho, sốt thứ phát; hai người liên quan đến ổ dịch Tân Mai, Hoàng Mai; hai người liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội và hai người liên quan chùm nhà thuốc Láng Hạ.

Những ca này ghi nhận tại 8 quận huyện, trong đó Đông Anh 6 người, Thanh Trì 3, Hoàng Mai 2, Tây Hồ 2, Thanh Oai 2, Hai Bà Trưng 1, Cầu Giấy 1, Hoài Đức 1.

Như vậy, số ca mắc tại Hà Nội từ ngày 27/4 đến nay là 1.192 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 707 ca, số mắc là người đã được cách ly 485 ca.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem