“Hạ sát” gỗ xoan rừng phòng hộ ở Bắc Kạn: Kỳ lạ tờ đơn có dấu đỏ của Chủ tịch xã

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 10/06/2020 08:47 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc hàng loạt cây gỗ xoan rừng phòng hộ bị “hạ sát”, khi cơ quan công an làm việc với đối tượng chặt hạ, người này đã đưa ra một tờ đơn xin trồng rừng có dấu xác nhận và chữ ký của nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Linh cũ (nay là Thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông).
Bình luận 0

Cụ thể, quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông Bàn Văn Sơn - người chặt hạ những cây gỗ xoan, đã đưa ra một tờ đơn viết tay xin trồng rừng phân tán từ năm 2011 ở khu vực này, có đóng dấu, chữ ký của nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Linh (nay là thị trấn Phủ Thông) và cho rằng cây do mình trồng.

“Hạ sát” gỗ xoan rừng phòng hộ ở Bắc Kạn: Lý giải về tờ đơn có dấu đỏ - Ảnh 1.

Một thân gỗ xoan to bị chặt hạ trong rừng phòng hộ.

“Hạ sát” gỗ xoan rừng phòng hộ ở Bắc Kạn: Lý giải về tờ đơn có dấu đỏ - Ảnh 2.

Nhiều cây to bằng cả một vòng ôm người lớn.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bàn Văn Phượng - một trong 11 người dân có xoan bị chặt hạ, khẳng định, những cây gỗ xoan bị "hạ sát" tại rừng phòng hộ Khuổi Tẩu có tuổi đời khoảng 20-40 năm do 12 hộ tại thôn Nà Món (có cả hộ ông Bàn Văn Sơn) đã gieo trồng, bảo vệ từ khi hạ sơn.

Theo ông Phượng cùng các hộ dân đã gieo trồng, bảo vệ cây xoan tại Khuổi Tẩu, phần của ông Bàn Văn Sơn trước đó gieo trồng chỉ có khoảng 20 cây. Vậy nhưng ông Sơn đã gần như chặt trắng những cây xoan ở khu vực Khuổi Tẩu.

"Thời điểm ông Sơn chặt đúng vào thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19. Đất có cây xoan bị chặt hạ, ngày trước, khi đơn vị bộ đội K98 thực hiện dự án trồng rừng đã để lại cho người dân canh tác, khoảng 20ha. Khi thực hiện làm hồ thủy lợi Khuổi Tẩu, năm 2009, đường đi lại khó khăn nên người dân tạm ngừng canh tác, chỉ thả trâu bò, đi lại chăm sóc cây", ông Phượng cho hay.

Ông Phượng cho biết thêm: "Năm 2016, chúng tôi làm đơn xin được trồng rừng phân tán gửi UBND xã Phương Linh thì được xã cho biết đất đó thuộc quản lý của K98, UBND xã không có thẩm quyền đồng ý".

“Hạ sát” gỗ xoan rừng phòng hộ ở Bắc Kạn: Lý giải về tờ đơn có dấu đỏ - Ảnh 3.

Một trong những bãi tập kết gỗ ngay tại lán của ông Bàn Văn Sơn.

Còn anh Bàn Văn Tài (thôn Nà Món) cho rằng, năm 2011, gia đình ông Bàn Văn Sơn đã tự làm đơn gửi UBND xã xin được trồng rừng cây phân tán. Đơn có ghi: Còn một ít đất dưới chân đồi vào theo hai bên sườn đồi, theo khe Khuổi Tẩu vào, bộ đội không trồng thông, tôi xin UBND xã Phương Linh tạo điều kiện cho gia đình tôi xin được trồng rừng cây phân tán.

"Điều đáng nói, đơn đó được đóng dấu và có chữ ký của ông Nông Lường Hào, Chủ tịch UBND xã Phương Linh, trong khi đất này do đơn vị bộ đội K98 quản lý. Khi xảy ra việc chặt hạ hàng loạt cây gỗ xoan ở Khuổi Tẩu, chúng tôi mới biết có tờ đơn này. Giờ ông Sơn lấy đó làm căn cứ khẳng định ông ấy đang chặt xoan của mình đã trồng" anh Tài cho biết thêm.

Khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng đã đình chỉ việc chặt hạ, vận chuyển cây gỗ xoan tại rừng phòng hộ Khuổi Tẩu và tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Nguồn tin của Dân Việt cho hay, qua khám nghiệm hiện trường, khối lượng cây xoan bị chặt hạ lên đến 90m3. Xoan bị chặt hạ đã được cơ quan chức năng lấy mẫu gửi đi giám định tuổi cây.

“Hạ sát” gỗ xoan rừng phòng hộ ở Bắc Kạn: Lý giải về tờ đơn có dấu đỏ - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy mẫu giám định tuổi cây.

Ông Đinh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, rừng có gỗ xoan bị chặt hạ là rừng phòng hộ. "Việc ông Nông Lường Hào ký đóng dấu vào đơn xin trồng rừng cây phân tán khu vực này, tôi cũng không hiểu ý tưởng của ông Hào," ông Hưng nói.

Trả lời PV Dân Việt, ông Nông Lường Hào, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phủ Thông (nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Linh cũ), người đã xác nhận trên đơn của ông Bàn Văn Sơn cho biết, thời điểm đó ông mới đảm nhận chức vụ nên không nắm được rõ nguồn gốc đất này.

"Khi đó, nhà nước đang có chủ trương trồng rừng, chúng tôi thường xuyên đi vận động bà con trồng rừng, nay thấy có đơn về việc xin trồng rừng nên tôi ký vào đó. Thực sự tôi cũng không nghĩ đến khi khai thác lại có sự việc đáng tiếc như vậy," ông Hào thở dài.

Hiện nay, 11 hộ có cây xoan bị gia đình ông Bàn Văn Sơn chặt hạ đều mong muốn làm rõ, tờ đơn xin trồng rừng của hộ ông Sơn được Chủ tịch UBND xã Phương Linh cũ ký xác nhận có đúng thẩm quyền và có giá trị pháp lý hay không? 

Nếu không đúng thẩm quyền, không có giá trị pháp lý, người dân đề nghị cơ quan chức năng ra quyết định hủy hoặc có văn bản trả lời để người dân được biết.

“Hạ sát” gỗ xoan rừng phòng hộ ở Bắc Kạn: Lý giải về tờ đơn có dấu đỏ - Ảnh 6.

Người dân tham gia đo đạc lại khối lượng những cây xoan đã bị chặt hạ trong rừng phòng hộ Khuổi Tẩu.

Trước đó, Dân Việt đã có bài viết "Bắc Kạn: "Hạ sát" gỗ xoan ngay trong rừng phòng hộ". Theo đó, ông Bàn Văn Sơn (trú tại thôn Nà Món, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) bị tố chặt hạ hàng loạt cây gỗ xoan trong rừng phòng hộ Khuổi Tẩu thuộc huyện Bạch Thông.

Không chỉ vậy, hộ gia đình này còn khai thác cả những cây gỗ xoan của các hộ gia đình khác trồng tại đây từ năm 1958.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem