|
Ruộng của dân bị rút khô trồng cây gì cũng chết. |
Dự án chết yểu
Dự án nuôi trồng thủy sản 19-5 của Công ty Công nghệ Việt Mỹ (thành viên của Tập đoàn ATI - Hoa Kỳ, trụ sở tại 26 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích quy hoạch 2.000ha chạy dọc vùng ven biển của 5 xã bãi ngang thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Năm 2003, công ty đã cho đào 180 ao và triển khai nuôi 300 triệu con tôm sú (tương đương 200ha). Tuy nhiên được một vụ đầu hòa vốn còn những vụ tiếp theo đều lỗ nặng và công ty bắt đầu có dấu hiệu buông lỏng.
Bạt nilon trải dọc kênh nước thải của dự án này bị rách, hư hỏng khiến nước bẩn thẩm thấu vào đất gây ô nhiễm, đồng thời rút hết nguồn nước từ ruộng của người dân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đất sản xuất.
Bà Lê Thị Hà -Trưởng phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện Thạch Hà
Sau đó, do không đủ nguồn tài chính để đầu tư tiếp, công ty đã phải gán một số hồ tôm ở khu A cho bà Nguyễn Thị Hạnh - một chủ đại lý cung cấp thức ăn cho tôm tiếp tục nuôi. Vì vậy hệ thống kênh thoát nước ô nhiễm, ruộng đồng sa mạc hóa không được ai quan tâm.
Ruộng thành sa mạc
Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng thôn Đại Tiến xã Thạch Trị huyện Thạch Hà cho biết: "Sau 7 năm triển khai, đến nay công ty này hầu như không hoạt động đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường cho người dân địa phương.
Trước đây con kênh chảy qua xóm Đại Tiến là dòng nước sạch tưới cho đồng ruộng và là nguồn nước sinh hoạt ăn uống, tắm giặt nay đã biến thành dòng nước ô nhiễm. Hơn thế nữa, 23ha đồng ruộng của dân biến thành sa mạc không thể canh tác nổi. Ông Trung cho biết thêm: Theo thiết kế, kênh sẽ được bê tông hoá để chống thẩm thấu.
Thế nhưng dự án chỉ rải một lớp vải bạt. Một thời gian sau, vải bạt rách nát nên nước thải cứ thế ngấm xuống đất. Mặt khác, do không được tu bổ nên bờ kênh bị xói mòn và nạo sâu chỉ cách mặt bằng đồng ruộng khoảng 2m, khiến ruộng của dân không thể sản xuất được.
Trao đổi với NTNN ông Phạm Văn Chững - Chủ tịch UBND xã Thạch Trị cho biết: "Xã đã bàn giao cho dự án 450ha đất nhưng dự án còn nợ tiền đền bù tài sản, cây cối trên đất của địa phương 1,2 tỷ đồng. Đến nay dự án không phát triển được thì trả lại đất cho địa phương để tổ chức lại sản xuất chứ dân thì thiếu đất còn dự án bỏ hoang như thế này.
Trong khi đó, hơn 200 hộ dân với 1.000 nhân khẩu thôn Đại Tiến phải sống trong cảnh lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường, đất sản xuất xói mòn và sa mạc hóa, giếng nước bị nhiễm mặn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng họ trả lời không thấu đáo và chưa có giải pháp cụ thể để xử lý bế tắc này".
Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.