Hà Tĩnh: Giàu lên nhờ nông thôn mới

Chủ nhật, ngày 09/02/2014 08:55 AM (GMT+7)
Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với những cách làm sáng tạo và quyết liệt đã có hàng ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư làm ăn thu nhập hàng trăm, hàng tỷ đồng năm.
Bình luận 0
Liều “doping” cho nông nghiệp

Theo ông Trần Huy Oánh- Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh: Chỉ trong năm 2013, Hà Tĩnh đã huy động được trên 7.500 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm 21% với 1.600 tỷ, trong khi đó vốn tín dụng chiếm 66% với trên 5.000 tỷ đồng còn lại vốn từ thực hiện chính sách, vốn lồng ghép từ các chương trình-dự án, vốn doanh nghiệp, nguồn đỡ đầu tài trợ, nhân dân đóng góp và vốn huy động từ nguồn khác.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm hộ gia đình phát triển mô hình kinh tế (Trong ảnh: Trang trại chị Hiền ở xã Thượng Lộc).
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm hộ gia đình phát triển mô hình kinh tế (Trong ảnh: Trang trại chị Hiền ở xã Thượng Lộc).

Cho thấy các nguồn vốn đầu tư vào NTM thời gian qua ở Hà Tĩnh huy động được phần lớn thông qua các tổ chức, ngân hàng, doang nghiệp… bớt gánh nặng từ vốn ngân sách nhà nước nhưng vẫn hỗ trợ tối đa cho người dân để ưu tiên đầu tư cho sản xuất, nhất là các vùng sản xuất tập trung, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thông qua các chính sách của tỉnh hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ lãi suất các mô hình mới.

Đây được coi là liều thuốc kích thích cho đầu tư phát triển nông nghiệp trong gần 3 năm qua. Điển hình trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp nông thôn phải kể đến Ngân hàng Agribank Hà Tĩnh. Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết: Cùng với các hoạt động an sinh xã hội đến nay Agribank Hà Tĩnh triển khai vay vốn cho trên 90.000 khách hàng phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn với trên 7.000 tỷ đồng trong đó riêng đầu tư phát triển mô hình xây dựng NTM lên đến trên 4.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Oánh, nhờ chất xúc tác đó mà các mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở Hà Tĩnh đã phát triển nhanh chóng trên 1.700 mô hình, trong đó 757 mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, 267 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng. Thành lập mới 109 hợp tác xã, (tổng số hợp tác xã đến nay là 686). Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất ở nông thôn được đầu tư, toàn tỉnh đã làm được 1.100 km mặt đường bê tông và nhựa (chủ yếu là bê tông), 222km mặt cấp phối, đá dăm, xây mới 83 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Đến nay, 17 xã đạt tiêu chí giao thông, 33 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 191 xã đạt tiêu chí điện, 96 xã đạt tiêu chí trường học, 15 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, 35 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn, 208 xã đạt tiêu chí bưu điện, 110 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư... Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn được cải thiện rõ nét bình quân đạt 14,4 triệu đồng/người.

Nông dân thu nhập khủng

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên có quy hoạch sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực và đã xây dựng, vận hành thành công các mô hình trong nông nghiệp. Trong số 267 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm có nhiều mô hình ở những xã vùng núi, vùng sâu vùng xa. Họ đã vượt được những khó khăn nhờ cú hích đầu tư làm ăn có hiệu quả. Tiêu biểu là hộ ông Đàm Thọ ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, giữa khu rừng heo hút từ hai bàn tay trắng vợ chồng ông Thọ xây dựng nên một trang trại đồ sộ. Nhớ lại thời gian 20 năm khai hoang lập nghiệp ông Thọ vẫn chưa hết run với những lần chạy ăn từng bữa: “Mặc dù vào làm trang trại từ năm 1989, nhưng không có vốn đầu tư trang trại èo uột chỉ trông chờ vào cây lâm nghiệp cái nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Ông Võ Kim Cự- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Năm 2013, trong xây dựng NTM Hà Tĩnh “tăng về điểm, rộng về diện”, tăng hộ giàu, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Đặc biệt, phát triển mạnh các mô hình làm ăn lớn, chính người nông dân đã thay đổi tư duy mạnh dạn vay vốn làm ăn, xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ manh mún.

Ông Thọ cho biết thêm: Năm 2010, nhờ chính sách vay vốn ưu đãi về lãi suất của tỉnh phát triển sản xuất vợ chồng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi kết hợp với trông cây ăn quả, chỉ sau 1 năm thu nhập trang trại vượt quá sức tưởng tượng 1,2 tỷ đồng. Với diện tích 15ha vợ chồng ông Thọ quy hoạch nuôi trên 600 con lợn thịt và 1 đàn lợn rừng 30 con, 400 tổ ong. Hai năm lại nay mỗi năm thu nhập từ đàn lợn không dưới 400 triệu đồng và 300 triệu đồng từ mật ong. Không dừng lại ở đó, trang trại ông Thọ còn trồng trên 2ha cây dó trầm và hơn 200 gốc cam chanh, nuôi trâu bò mỗi năm thu nhập cũng xấp xỉ 5.000 triệu đồng. Riêng về cây dó trầm trang trại hiện có trên 4.800 cây giá trị trên 2 tỷ đồng, trong đó có gần 1.000 cây đến tuổi khoan tạo trầm.

Còn đối với trang trại chị Phan Thị Hiền ở xóm Anh Hùng xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc. Một khu vườn 2,5ha nằm cheo leo trên đồi những chị Hiền đã mạnh dạn đầu tư 200 gốc cam chanh. Riêng năm 2013, vườn cam của gia đình chị thu hoạch được 60 tấn, thu về hơn 1 tỷ đồng.

Hữu Anh (Hữu Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem