Hội Nông dân với công tác phản biện, giám sát: Đổi mới để “ghi điểm hài lòng”

Thanh Hiền (thực hiện) Thứ bảy, ngày 28/06/2014 15:02 PM (GMT+7)
“Thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội là cơ hội và thách thức cho tổ chức Hội, cán bộ Hội phải tự đổi mới chính mình để “ghi điểm hài lòng” của ND”- ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới chia sẻ với NTNN.
Bình luận 0

Tham gia xây dựng chính sách “tam nông”; giám sát, phản biện xã hội là một chức năng quan trọng của Hội ND. Theo ông, những năm qua Hội thực hiện chức năng này thế nào?

- Giám sát, phản biện xã hội lần đầu tiên được ghi trong Đại hội X của Đảng, nhưng mãi đến ngày 12.12.2013 Bộ Chính trị mới ban hành quy chế. Tuy nhiên, Hội đã làm từ lâu. Tôi nhớ năm 2002, Bộ Tài chính có văn bản dự thảo trình Quốc hội thu thuế đối với người sản xuất nông nghiệp có lãi từ 30 triệu đồng/năm trở lên.

Khi Văn phòng Quốc hội chuyển văn bản dự thảo đó đến T.Ư Hội, Thường trực đã tổ chức ngay việc lấy ý kiến Hội ND các địa phương. Sau đó, ra văn bản báo cáo Thường vụ Quốc hội không nên quyết định, vì: Hộ ND sản xuất có lãi từ 30 triệu đồng/năm trở lên chỉ chiếm khoảng 7% trong tổng số hộ ND cả nước. Nếu thu thuế, sẽ làm triệt tiêu động lực phong trào thi đua ND SXKD giỏi, kìm hãm sự phát triển trang trại – một hình thức sản xuất mới có hiệu quả. Kết quả là Bộ Tài chính phải rút lại tờ trình; ND hoan nghênh và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Hội.

Kết quả phản biện xã hội phải kể đến “cặp tiền đạo” Báo và Tạp chí của Hội, đã ghi được nhiều “bàn thắng” nhất, được ND biết nhiều nhất. Báo Nông Thôn Ngày Nay với loạt bài “1 hạt thóc 40 khoản đóng góp”, “Ba ba dưới búa quan tòa”, “Huy động sức dân thế nào là đủ”…

Hiệu quả ư! Quá rõ. Chính phủ đã bãi bỏ gần 30 khoản thu tự đặt ra của địa phương; quy định người dân chỉ đóng góp 14 khoản bắt buộc và 6 khoản phải vận động. Tạp chí Nông Thôn Mới phản biện về sự công bằng trong phân phối lợi nhuận của xã hội đối với người ND như “Một người ăn một con gà, một người đứng trông, thế mà lại bình quân mỗi người ăn nửa con gà” thử hỏi đó có phải là hiện trạng của một sự thật đáng buồn không?

Tôi thực lòng bày tỏ, ở cấp T.Ư, việc “giám sát”, Hội làm đạt yêu cầu. “Phản biện xã hội” thì báo chí, Ban Kiểm tra của Hội làm tích cực, có sản phẩm cụ thể. Các ban, trung tâm và một số tỉnh hội, huyện hội ở nhiều địa phương còn lúng túng, gần như còn đứng ngoài lề sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước và của ND.

Chính sách về “tam nông” có rất nhiều. Hội nên chọn những chính sách nào để giám sát, phản biện?

- Trọng tâm, trọng điểm là giám sát, phản biện về chính sách có liên quan đến “tam nông”; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người ND như: Giá đền bù đất đai, bồi thường tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi; chính sách cho ND vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ tiền khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng; chính sách cho người học nghề, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới…

Nhân đây, tôi cũng xin tư vấn: Có vấn đề không phải là chính sách, nhưng phải giám sát, phản biện xã hội như: Các báo cáo, quyết định về phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách địa phương, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai của HĐND, UBND xã, huyện, tỉnh. Thực tế cho thấy, sự lãng phí, tham ô, tham nhũng và thiếu minh bạch ở những lĩnh vực này là rất lớn, giờ phải giám sát, phản biện chặt chẽ hơn.

Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ mới đầy cam go và thách thức đối với tổ chức Hội. Hiệu quả phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Theo ông, yêu cầu đặt ra cho cán bộ hội là gì để đáp ứng được thách thức này?

- “Cái “gốc” của vấn đề là nhận thức đúng về giám sát, phản biện xã hội, phải coi đó là bước tiến về dân chủ, trao quyền cho Hội, cho người dân tham gia ngày một nhiều hơn vào việc lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho tổ chức Hội, cán bộ hội tự đổi mới chính mình để “ghi điểm hài lòng” của ND”. Tôi nghĩ T.Ư Hội phải làm trước, làm mẫu để các cấp Hội ở địa phương học tập. Từng cá nhân cán bộ hội phải tự thân vận động, làm mới chính mình về: Tri thức, phương pháp và bản lĩnh.

Về tri thức, phải thông thuộc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, kiến thức về chính trị, pháp luật là then chốt. Thiếu kiến thức thì không biết tổng hợp thông tin, phát hiện, lựa chọn vấn đề giám sát, phản biện, lẽ tất yếu sẽ dẫn tới mất tự tin, thành “thợ gật”, “ăn theo, nói leo” hoặc làm cho có hình thức.

Về phương pháp, kỹ năng, phải tích lũy đủ thông tin, số liệu cần thiết trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa… có hệ thống và được cập nhật liên tục để so sánh, đối chiếu giữa chủ trương, chính sách, pháp luật đã ban hành với thực tiễn đang diễn ra. Phải liên kết với những người giỏi, có chuyên môn sâu để tìm ra những vết rạn, lỗ hổng trong chính sách, những điểm nút vướng mắc trong thực tế để góp ý và đề xuất giải pháp tích cực.

 

Về bản lĩnh, phải đặt lợi ích của quốc gia, của cộng đồng và người ND lên trước, tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ mà ngụy trang dưới vỏ bọc giám sát, phản biện. Phải tự tin nói lên sự thật, bảo vệ sự thật; có chính kiến rõ ràng trước đúng, sai và hướng vào cái mới, cái phát triển để phản biện. Thực tế chứng minh rằng, cốt cách của bản lĩnh là trí thức, phương pháp, kỹ năng được cộng lại. Ai chưa đủ những điều kiện ấy thì có được giám sát, phản biện cũng chẳng thành công.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem