Hà Tĩnh: Lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm, mỗi vụ lãi hàng trăm triệu đồng

Nguyễn Duyên Thứ năm, ngày 20/05/2021 12:00 PM (GMT+7)
Thấy người dân bỏ hoang ruộng, gia đình ông Nguyễn Đức Tuấn (Sn 1956, trú tại thôn Lương Trung, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã thuê lại để cày cấy. Sau hơn 5 năm, gia đình ông đã cải tạo thành công hơn 10 ha ruộng hoang thành vùng sản xuất quy mô lớn.
Bình luận 0

Hà Tĩnh: Lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm, mỗi vụ lãi hàng trăm triệu đồng

Tiếc những mảnh ruộng bị bỏ hoang, lão nông ngày đêm ăn ngủ ngoài đồng

Đến gia đình ông Tuấn những ngày này, muốn gặp được ông thì phải ra tận cánh đồng cách nhà gần 3km mới gặp được. Cả gia đình ông, đang tập trung thu hoạch gần 10 ha lúa Đông - Xuân.

Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 1.

Ở địa phương, hễ cứ ai bỏ ruộng là gia đình ông Tuấn lại nhận về làm.

Vừa dẫn phóng viên DANVIET.VN đi thăm những ruộng lúa đang thời kỳ phát triển, bà Nguyễn Thị Xoan (50 tuổi, vợ ông Tuấn) vừa tâm sự: Trước đây, ruộng vùng này người ta bỏ hoang cả, cỏ dại mọc um tùm. Ông ấy thấy tiếc nên về bàn với tôi là mướn lại để làm. Giờ nhìn thế này chứ lúc đầu chúng tôi cũng gian nan lắm. Hai vợ chồng tôi làm không kịp nên phải thuê thêm người với tiền công lên đến 300.000 đồng/người/ngày. Nay mọi thứ đã cơ bản đi vào ổn định và có máy móc hỗ trợ thêm nên cũng đã nhàn hơn rất nhiều.

Với gia đình ông bà, những ngày sản xuất mùa vụ, cả gia đình ông dường như chuyển nhà ra đồng và ăn ngủ ngoài ruộng để vừa làm cho kịp vừa để canh đồ đạc. Cả gia đình làm ngày làm đêm mới kịp gieo cấy.

Ruộng nhiều, để kịp mùa vụ, gia đình ông Tuấn đầu tư mua 2 máy cày bừa, 4 máy bơm, 2 máy gieo lúa để sản xuất.

Người con trai lớn của ông Tuấn, sau 5 năm lăn lộn, làm đủ nghề để kiếm sống tại miền Nam, Thái Lan, khi bố mẹ nhận thêm ruộng để làm thì anh cũng quyết định về quê lập gia đình và để sản xuất cùng bố mẹ.

Ông Tuấn chia sẻ: Cũng may là tôi được vợ con, chính quyền địa phương ủng hộ nên mới làm được như thế này. Chứ những ngày bước vào sản xuất, chúng tôi phải thay nhau làm xuyên ngày đêm mới kịp.

Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 2.

Những thửa ruộng được gia đình ông Tuấn quy hoạch thành vùng sản xuất quy mô.

Anh Nguyễn Đức Thích (Sn 1993, con trai ông Tuấn) cho phóng viên DANVIET.VN biết: Những năm qua, tôi đi làm rất nhiều nơi, nhưng cuộc sống bấp bênh, sống nay đây mai đó mà kinh tế không ổn. Khi bố mẹ nhận thêm ruộng tôi rất ủng hộ và quyết định trở về quê làm ruộng. Làm ruộng chỉ vất vả trong mấy ngày đầu mùa và ngày thu hoạch thôi.

Chia sẻ về việc thuê lại ruộng của bà con để làm, ông Tuấn cho hay: Mấy năm tôi đi làm ăn ở Thái Lan, nhưng kinh tế cũng không khá lên được, đến khi bố mẹ già yếu tôi phải về quê chăm sóc. Lúc này, thấy những thửa ruộng bị người ta bỏ hoang tôi thấy tiếc. Khi hai vợ chồng thống nhất làm thì cũng là giai đoạn khó khăn đó là đi đến từng nhà để thuê lại ruộng. Cả cánh đồng, có gần 40 hộ sản xuất, ruộng manh mún. Cũng may tôi được sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 3.

Mỗi vụ sản xuất, gia đình bà Xuân gieo hơn 1,4 tấn lúa giống.

Để có được cánh đồng "quy củ" như hiện nay, từ năm 2016, ông Tuấn đã cùng cán bộ địa phương đến từng nhà để thuyết phục họ để thuê lại ruộng. Hiện nay, mỗi sào ông trả cho chủ ruộng 800.000 đồng/sào/năm.

Cùng với diện tích ruộng ban đầu của gia đình, đến nay, ông đã thuê thêm được gần 10 ha đất vùng Đò Lửa và vùng Bại Meo của xã để tổ chức sản xuất tập trung.

"Trước đây vùng này ruộng manh mún, nhỏ lẻ, làm nhưng không hiệu quả nên bà con ngại làm và rồi bỏ hoang. Giờ thấy chúng tôi làm sạch sẽ rồi thì họ lại muốn lấy lại để làm" - bà Xuân nói.

Từ khi bắt đầu làm ruộng lớn như này, ngoài công sức mọi người trong gia đình bỏ ra, vợ chồng ông Tuấn còn phải cắm sổ đỏ của gia đình, mượn sổ đỏ của ông bà thông gia để vay tiền thuê máy móc để quy hoạch lại đồng ruộng.

Đã bắt đầu cho quả ngọt sau 4 năm

Khi gia đình ông Tuấn nhận lại những thửa ruộng bỏ hoang về để làm, nhiềungười tại địa phương đều tỏ ra ái ngại.

Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 5.

Cánh đồng trước đây bỏ hoang nay đã trở thành cánh đồng lúa trĩu bông

 Nhưng sau hơn 4 năm làm lụng, ông đã chứng minh cho người dân thấy, nếu canh tác trên quy mô lớn, được quy hoạch bài bàn thì làm lúa vẫn có thể "sống khỏe" được, lại cho hiệu quả cao hơn.

"Cũng may, vợ chồng tôi có các con, chính quyền địa phương ủng hộ. Những khi vào mùa thu hoạch, các con đều trở về giúp bố mẹ thu hoạch mùa. Đặc biệt là hai người con trai, dù còn ít tuổi nhưng lăn lộn ngoài đồng ruộng mà không một lời phàn nàn" - bà Xuân chia sẻ.

Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, gia đình ông Tuấn chỉ sản xuất 2 loại giống lúa là nếp 98 và Xuân Mai, thu về gần 60 tấn thóc. Đến vụ thu hoạch thóc được thương lái đến thu mua ngay tại chân ruộng, trừ mọi chi phí ông lãi từ 120 - 130 triệu đồng. Giờ có máy móc hỗ trợ nên ông đã thuê thêm đất và sản xuất được hơn 9 ha.

Hà Tĩnh: Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 6.

Vợ chồng ông Tuấn mong muốn được ưu tiên vay thêm vốn để đầu tư vào sản xuất chăn nuôi.

Ông Tuấn cho biết, ông thuê được ruộng của họ nhưng cũng phải bàn mãi, tới nhà rất nhiều lần họ mới đồng ý cho phá bờ vùng, bờ thửa tạo thành thửa lớn, thuê máy xúc san gạt tạo mặt bằng cho cánh đồng, cải tạo chất đất trong hơn 1 năm. Nhờ vậy, xóa được tình trạng ruộng xấu, cốt đất không đều trước kia, giúp quá trình sản xuất được thuận lợi, tạo thành cánh đồng rộng lớn.

Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 5.

Ông bà đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất.

"Đến vụ mùa vừa rồi thì tôi đã trả được hết nợ rồi, sổ đỏ của bà thông gia cũng trả được rồi" - bà Xuân vui vẻ cho biết.

Để nhiều người dân như ông Tuấn có thể tích tụ được ruộng đất, cải tạo và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, rất cần có thêm sự hỗ trợ, đồng hành hơn nữa từ các cấp, ngành...

Ngoài ra, gia đình ông Tuấn còn nuôi 8 con bò 3B. Ông bà mong muốn được hỗ trợ vay thêm vốn để đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi.

Với vùng ao đầm lầy của xã quản lý, ông Tuấn đang cải tạo thành vùng nuôi thả cá và chăn nuôi bò.

Hà Tĩnh: Gia đình lão nông cứ hễ ai chê ruộng là thuê về làm - Ảnh 8.

Lúa sau khi gặt được thương lái mua tại ruộng.

Hiện nay, nhiều hạng mục của gia đình vẫn chưa thể hoàn thiện do thiếu vốn. Ông mong muốn được hỗ trợ vay thêm vốn để quy hoạch làm khu chăn nuôi cá, bò, nhà kho để máy móc sản xuất, chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Quân – Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết: Gia đình ông Tuấn là hộ rất chịu khó làm ăn tại địa phương. Chúng tôi cũng luôn đồng hành với gia đình để động viên gia đình. Đến nay, những công sức của ông ấy đã thể hiện rất rõ trên đồng ruộng vào mỗi mùa vụ. Năm vừa qua, gia đình ông thu về 60 tấn lúa/vụ. Xã Ích Hậu đã giao cho cán bộ chuyên môn đứng ra tập hợp, xác nhận từ các hộ có đất nhưng không sản xuất để cho ông thuê thêm. Đến nay, gần 50 hộ đã cho ông thuê, mượn ruộng từ 6 - 7 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem