Mỗi ha lãi 9 triệu đồng
Cách đây 3 tháng, thời điểm xuống giống vụ sản xuất hè thu 2012, hàng ngàn hộ dân ở xã Cẩm Bình rất băn khoăn, lo lắng trước cuộc “cách mạng” về sản xuất: Bỏ toàn bộ các bộ giống cũ, chuyển hẳn sang sản xuất duy nhất một bộ giống mới là VTNA-2.
|
Được thu mua sản phẩm, nông dân an tâm sản xuất. |
Chị Nguyễn Thị Hiền - một nông dân ở xã Cẩm Bình cho biết: “Vụ hè thu này, gia đình tôi gieo cấy gần 1ha, nhưng đến năm nay, mới có sự đổi mới hoàn toàn từ giống lúa đến quy trình sản xuất. Khi mới nhận giống, gia đình tôi rất lo lắng, vì sợ mất mùa thì sẽ trắng tay cả vụ”. Song được sự hỗ trợ 100% tiền lúa giống và tín chấp cho mua nợ phân bón của tỉnh, huyện và xã Cẩm Bình, đồng thời ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chị Hiền đã mạnh dạn sản xuất thử.
Kết quả, chỉ sau 3 tháng chăm bón ,1ha lúa của gia đình chị Hiền đã cho năng suất ngoài mong đợi. Theo tính toán của chị Hiền, trung bình 1ha lúa gia đình chị đầu tư hết 25 triệu đồng. Với năng suất 57 tạ/ha, nhân với giá lúa 6.000 đồng/kg như thời điểm này, gia đình chị đã thu được trên 34 triệu đồng một vụ, trừ các chi phí phân bón, giống, mỗi vụ lãi ròng ít nhất 9 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thiên Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Cẩm Bình đang triển khai xây dựng nông thôn mới với quyết tâm về đích cuối 2013. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã chọn hướng phát triển sản xuất hàng hóa bằng các loại giống chất lượng cao. Để người dân yên tâm sản xuất, chúng tôi đã đứng ra tín chấp với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An mua giống, phân bón và ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Thay đổi tập quán sản xuất
Trong vụ hè thu vừa qua, toàn xã Cẩm Bình đã gieo cấy 445ha và có 1.145 hộ dân đã bỏ giống cũ, để cấy giống mới VTNA-2 với diện tích trên 426ha. VTNA-2 là giống lúa thuần, có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 100 ngày rất thích hợp cho vùng lũ Hà Tĩnh. “Đến thời điểm này, có thể khẳng định việc đưa giống mới vào sản xuất tại Cẩm Bình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân” - ông Toàn cho biết.
“Đây là mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn và có hiệu quả đầu tiên tại Hà Tĩnh".
Ông Lê Đình Sơn
Đánh giá về mô hình này, ông Lê Đình Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Cẩm Bình đã mạnh dạn đi đầu chuyển đổi từ giống cũ sang giống mới trên một đơn vị diện tích lớn, cùng một loại giống để có sản phẩm hàng hóa lớn, đây là chủ trương cần thiết của tỉnh. Mặc dù, mới triển khai bước đầu, nhưng kết quả đã được khẳng định, đó là năng suất cao hơn, giống đồng đều hơn”.
Khi tham gia mô hình này, điều được nhất đối với người nông dân là hoàn toàn yên tâm về giá cả, bởi trước khi sản xuất, chính quyền địa phương đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An để bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn 10% so với giá thị trường tại thời điểm thu mua.
Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.