Biên soạn một bộ sách giáo khoa: Tốn hàng nghìn nhân sự!
Biên soạn một bộ sách giáo khoa: Tốn hàng nghìn nhân sự!
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 20/08/2023 07:00 AM (GMT+7)
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, 1 bộ sách giáo mới biên soạn cần ít nhất 7 năm mới hoàn thành, để duy trì biên soạn 3 bộ sách giáo khoa thì số lượng tác giả lên tới hàng nghìn, chưa kể biên tập viên, hoạ sĩ...
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về biên soạn bộ sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ quá trình thực hiện bộ sách Ngữ văn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: "Nhóm biên soạn bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Giai đoạn đầu khi bắt đầu làm sách thì sách lớp 10, lớp 1 mất 3 năm, những sách sau đó mỗi năm 1 lớp. Một bộ mới biên soạn cần ít nhất 7 năm mới hoàn thành và cần tập hợp đội ngũ, đào tạo đội ngũ, xây dựng đề cương, ma trận, thống nhất hướng đi, cấu trúc, cách triển khai...
Để duy trì biên soạn 3 bộ sách giáo khoa thực sự rất thiếu nhân sự khi số lượng tác giả lên tới hàng nghìn, chưa kể biên tập viên, họa sĩ. Trong khi đó, viết sách giáo khoa ở Việt Nam không phải là một nghề chuyên nghiệp. Các tác giả đều đang công tác ở một cơ quan nào đó, thường là các trường đại học sư phạm nên công việc hết sức bận rộn. Chỉ riêng cuốn sách Ngữ văn lớp 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chuẩn bị đưa vào chương trình học năm nay, nhóm cần 12 người biên soạn".
"Sách giáo khoa lớp 11 sẽ được sử dụng từ năm học này và hy vọng các thầy cô sẽ cảm nhận được sự cẩn trọng của nhóm tác giả khi cầm trên tay cuốn sách. Dù biết đổi mới luôn song hành với thách thức, song mong rằng các thầy cô sẽ coi đây là một cơ hội để vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình, mang lại cho học sinh những giờ dạy văn gần gũi hơn với cuộc sống", TS Nguyễn Thị Ngọc Minh.
Theo TS Ngọc Minh, Bộ GDĐT cần truyền thông mạnh mẽ, có chiến lược để giúp xã hội hiểu thêm về chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, cần xây dựng các công cụ, phương tiện, tài liệu hỗ trợ giáo viên một cách thật sự có chất lượng, để giúp giáo viên làm chủ được công việc của mình; Cải tiến hệ thống quản lý giáo dục.
Cải thiện chất lượng khâu đào tạo và tái đào tạo giáo viên. Hệ thống các trường sư phạm đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Nhiều trường không thể tuyển sinh, phải đóng cửa, sáp nhập, trong khi một số trường như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì quá tải bởi số lượng sinh viên tăng lên gấp đôi, gấp ba, lực lượng giảng viên thì ngày càng mỏng đi do làn sóng rời bỏ trường đại học. Các chương trình đào tạo giáo viên để chuẩn bị cho sách giáo khoa và chương trình mới chưa thực sự hiệu quả.
Hai điểm hạn chế là môn tích hợp và giá sách cao
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa cho biết, hiện tại có 3 bộ sách đã được biên soạn, thẩm định chặt chẽ, được thực hiện từ năm 2018 đến nay và sẽ hoàn thành việc trang bị sách mới ngay trong năm học 2024 - 2025.
Nhận xét về nội dung sách giáo khoa này, thầy Hiển cho biết, cả 3 bộ sách đều bám sát nội dung chương trình, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo tinh thần đổi mới. Điểm hạn chế của sách giáo khoa mới nằm ở hai điểm căn bản, các môn tích hợp và giá sách. Cần xem xét nghiêm túc và xóa bỏ các môn tích hợp, đưa về phân môn độc lập. Đồng thời, giá sách giáo khoa quá cao, gây khó khăn cho nhiều gia đình học sinh".
Thầy Hà Văn Vụ, giáo viên môn Văn, Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM cho rằng: "Hiện tại giá sách mới cao hơn so với sách cũ. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân làm cho giá sách cao, gây bức xúc dư luận đó là tỉ lệ chiết khấu quá cao (29-29,5%). Giá chung của các bộ sách là 300.000-400.000 đồng, tính ra chiết khấu gần 100.000/bộ. Hàng triệu bộ được bán ra thì tiền chiết khấu lên tới tiền tỷ. Bộ GDĐT nói riêng và các ban ngành nói chung cần rốt ráo xử lý dứt điểm để sách giáo khoa về đúng giá vốn là của nó, tránh gây những dư luận không hay, ảnh hưởng tới việc triển khai, thực hiện chương trình mới".
Bộ GDĐT nắm bản quyền, còn biên soạn là những nhóm tác giả chọn lọc khác
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho hay: "Có thể Bộ mời các chuyên gia môn học xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa theo hướng dẫn của UNESCO để đánh giá cả 3 bộ sách giáo khoa, chắt lọc ra những bài viết tốt ở 3 bộ sách để biên tập lại thành một bộ chuẩn cốt lõi (tối thiểu đáp ứng chương trình 2018) làm cái trục cho học sinh, thầy cô giáo các vùng miền có thể sử dụng.
Những vùng đội ngũ giáo viên khá, cơ sở vật chất tốt hơn, kinh tế xã hội phát triển hơn thì có thể tham khảo ở 3 bộ sách kia tuỳ nhu cầu và khả năng. Rất cần chú ý đến các vùng kinh tế xã hội còn khó khăn trong làm chính sách sách giáo khoa. Điều cần lưu ý nên có đánh giá khách quan việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn vướng mắc gì thì cần điều chỉnh rồi hãy làm bộ sách chuẩn. Như vậy, Bộ sẽ chi trả cho những bài được chọn trong sách giáo khoa ở 3 bộ sách kia, phần chi phí cho in ấn, phát hành thì để các nhà xuất bản đấu thầu, vùng nghèo thì ngân sách nhà nước bỏ ra cung cấp miễn phí hoặc cho mượn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.