Biên soạn một bộ sách giáo khoa: Mất 7 năm hoàn thành, tốn 300-400 tỷ đồng

Tào Nga Thứ bảy, ngày 19/08/2023 16:37 PM (GMT+7)
"Biên soạn một bộ sách là hết sức công phu, phức tạp và tốn kém. Chi phí cho mỗi bộ sách đầy đủ các môn học, vừa qua theo tính toán của các nhà xuất bản là khoảng từ 300-400 tỷ đồng", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình GDPT 2018, Chủ biên và Tổng chủ biên sách Ngữ văn THCS và THPT, bộ Cánh Diều, cho hay: "Tôi là người đã tham gia trực tiếp xây dựng Chương trình và viết sách giáo khoa của 3 lần đổi mới giáo dục. Tôi hiểu rất rõ công việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa vất vả và tốn kém như thế nào. 

Thứ nhất, sau khi có chương trình, cần chọn được nhóm Chủ biên, Tổng chủ biên và tác giả sách. Những người này phải có hiểu biết chắn chắn về khoa học cơ bản, về phương pháp dạy học và hiểu biết về giáo dục phổ thông (đối tượng học sinh, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học....). Mỗi môn học tùy theo số lượng tiết học mà cần số lượng tác giả ít hay nhiều cho phù hợp. Với môn Ngữ văn cả 3 cấp học cần khoảng trên dưới 30 tác giả.

Biên soạn một bộ sách giáo khoa: Mất 7 năm hoàn thành, tốn 300-400 tỷ đồng - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội trong buổi giới thiệu sách giáo khoa mới. Ảnh: Tào Nga

Thứ hai, nhóm tác giả phải nghiên cứu chương trình, tham khảo sách giáo khoa một số nước về môn học; từ đó xác định được cấu trúc bộ sách dựa trên một tư tưởng sư phạm rõ ràng, có ý đồ và triết lý biên soạn bảo đảm vừa kế thừa, vừa đổi mới đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Tiếp theo là cần xây dựng đề cương sách, nhóm Chủ biên, Tổng chủ biên phải nghiên cứu chương trình và xây dựng được đề cương sách cho không chỉ 1 lớp mà cả 12 lớp. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại là chương trình mở, chỉ nêu các yêu cầu cần đạt, không quy định rõ các nội dung cụ thể cho mỗi lớp (với môn Ngữ văn không nêu mỗi lớp phải dạy các tác phẩm văn học nào). Như thế đề cương phải hình dung và nêu lên được một ma trận gồm: Mỗi lớp bao nhiêu bài học, mỗi bài học bao nhiêu tiết và có những nội dung gì lớn... Phải có ma trận ấy thì mới biên soạn thống nhất, không trùng lặp và có sự phát triển giữa các lớp, các cấp...

Thứ ba, phân công tác giả và tổ chức biên soạn nội dung cụ thể của sách theo cấu trúc đã xác định trong đề cương. Đây là công việc mất nhiều thời gian nhất, công phu và tỉ mỉ. Chẳng hạn với môn Ngữ văn, mất rất nhiều công sức để lựa chọn văn bản - tác phẩm, phải đọc hàng trăm văn bản thì mới chọn được một số bài thích hợp với yêu cầu của sách. Các văn bản phải đúng thế loại, phản ánh được thành tựu văn học dân tộc, phải có tác giả người kinh và người dân tộc thiểu số, phải chú ý giáo dục giới, tránh nội dung phản cảm, bạo lực, làm hại môi trường... phải hài hòa giữa văn học Việt Nam và văn học thế giới; giữa văn học dân gian và văn học viết, văn học cổ điển và văn học hiện đại, giữa các thời kỳ, giai đoạn...

Thứ tư, thực nghiệm sách. Mỗi cuốn sách phải tiến hành thực nghiệm một số nội dung theo tỷ lệ tiết học được quy định trong chương trình quốc gia. Việc xác định các nội dung thực nghiệm cần tập trung vào những nội dung mới và khó, thực nghiệm cả nội dung và đặc biệt là cách dạy nhằm xác định tính khả thi, tính hiệu quả và những gì cần điều chỉnh của bài học. Vừa biên soạn vừa thực nghiệm là cách làm của một số nước phát triển nhằm rút ngắn thời gian triển khai chương trình mới.

Thứ năm, biên tập, minh họa, dàn trang, xem xét góp ý và thẩm định nội bộ, cùng với đó là thiết kế bìa sách, minh họa cho nội dung bài học và trình bày trang sách. Với môn Ngữ văn việc thống nhất được ý kiến nhiều khi không hề đơn giản. Sau đó chỉnh sửa lần cuối, in ấn, đóng sách vào bìa thành một cuốn sách hoàn chỉnh (được gọi là bản mẫu) để nộp cho Bộ GDĐT đúng thời hạn quy định, chuẩn bị cho việc thẩm định quốc gia.

Biên soạn một bộ sách giáo khoa: Mất 7 năm hoàn thành, tốn 300-400 tỷ đồng - Ảnh 2.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trong buổi tập huấn cùng giáo viên. Ảnh: NVCC

Thứ sáu, thẩm định sách chính thức. Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GDĐT tiến hành thẩm định bản mẫu SGK các môn học lần 1. Sau đó Hội đồng trao đổi với tập thể tác giả sách. Các tác giả sách tiếp thu và giải trình những nội dung bảo lưu. Sau đó tiếp tục chỉnh sửa để thẩm định lần 2. Kết thúc thẩm định vòng 2, hội đồng tiến hành bỏ phiếu cho mỗi bộ sách. Trước khi Bộ trưởng ký duyệt, Bộ GDĐT cho đăng tải trên mạng, xin ý kiến chuyên gia và giáo viên cả nước.

Thứ bảy, in ấn, giới thiệu, bồi dưỡng giáo viên. Sau khi được phê duyệt, các bộ sách mới được phép in ấn, giới thiệu rộng rãi để giáo viên các tỉnh lựa chọn bộ sách mình sẽ dạy. Từ các địa phương đã chọn sách, nhóm tác giả tiến hành bồi dưỡng giáo viên cho những nơi lựa chọn bộ sách của mình.

Trên đây là một số công việc cơ bản, có thể tôi chưa nêu hết, nhưng cũng đủ thấy biên soạn một bộ sách là hết sức công phu, phức tạp và tốn kém. Chi phí cho mỗi bộ sách đầy đủ các môn học, vừa qua theo tính toán của các nhà xuất bản là khoảng từ 300-400 tỷ đồng. Thời gian biên soạn 1 cuốn sách phải ít nhất 1 năm, nghĩa là sách lớp 5, 9 và 12 dùng cho cho sang năm (2024-2025) bây giờ đã phải xong rồi, đang thẩm định quốc gia".

Có ý kiến cho rằng bộ sách giáo khoa hiện nay khó sử dụng lại hoặc cho học sinh khác, gây lãng phí, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định ý kiến này không đúng. Vì sách giáo khoa bắt buộc chỉ là cuốn sách học sinh. Cần phân biệt với các sách tham khảo, vở bài tập là loại sách không bắt buộc (đã được Bộ GDĐT quy định).

"Khi biên soạn, chúng tôi đều yêu cầu không được có những câu hỏi, bài tập để học sinh điền hoặc viết vào trực tiếp. Việc tái bản sách cũng chỉ chỉnh sửa một vài lỗi rất khoát phải sửa... Vì thế sách vẫn như in lần đầu, có nghĩa là học sinh lớp sau vẫn sử dụng tốt", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem