Năm 1981, xuất ngũ về quê, Trần Văn Chất (Hai Chất) chẳng có một xu trong túi, nghề cũng không. Là con trai một nên về nhà chẳng bao lâu, gia đình bắt anh cưới vợ và cho hai vợ chồng 5 công đất để làm ruộng.
|
Ông Hai Chất kiểm tra sản phẩm trước khi giao cho khách hàng. |
Gian nan mưu sinh
Ngặt nỗi, 5 công đất cha mẹ cho bị nhiễm phèn nặng. "Hồi đó, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi chỉ nhờ vào mấy công ruộng, đất thì bị nhiễm phèn nên năng suất lúa chỉ đạt 20 giạ/công. Hai vợ chồng bàn tính, góp nhặt và vay mượn bạn bè, người quen được ít tiền, ông mua chiếc ghe nhỏ, hàng ngày chạy khắp xứ Trà Vinh đi mua dừa khô để đem qua Bến Tre bán cho các cơ sở làm xà bông.
Từ chỗ chuyên đi thu gom dừa khô để kiếm từng đồng lời nuôi gia đình, giờ đây lão nông Trần Văn Chất (ngụ ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh) đã trở thành giám đốc doanh nghiệp chuyên gia công mặt hàng nhựa đan phục vụ xuất khẩu.
“Do vốn ít, nhà tôi cạnh tranh không nổi với người ta. Làm nghề buôn dừa chỉ được 3 năm, vợ chồng tôi bỏ nghề lên bờ. Khi lên bờ, bố vợ cho vợ chồng tôi mượn ghe để làm nghề đóng đáy. Làm được 5 năm, do là dân "tay ngang" không am tường nghề, vợ chồng một lần nữa quay lên bờ"- ông Hai Chất nhớ lại.
Năm 1995, thời điểm cây lát có giá, ông mua gốc lát về trồng trên 5 công ruộng bỏ hoang bấy lâu nay. Lát phát triển tốt, cho năng suất gấp 4 lần trồng lúa. Lúc này nghề đan lát cũng thịnh hành, khách nước ngoài đặt chiếu xuất khẩu rất nhiều. Vợ chồng ông suy nghĩ, chẳng nhẽ mình trồng lát bán sợi không thì uổng, trong khi nguyên liệu lại có sẵn... Vậy là họ quyết định đưa hai con lớn qua Vĩnh Long học nghề dệt chiếu. Học xong, các con về quê cùng cha mẹ mở 2 giàn dệt chiếu tại nhà.
Mở doanh nghiệp
Sau một thời gian, cả gia đình ông Chất đều biết dệt chiếu. Công việc làm ăn của gia đình ông cũng ngày một phát đạt. Từ 2 giàn dệt, dần tăng lên 4, rồi 6 và 8 giàn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm 1997, một HTX dệt chiếu ở Vĩnh Long nhận một hợp đồng dệt thảm xuất khẩu lớn nên xuống cơ sở của ông nhờ “tiếp lửa”. Năm 2000, sau khi kết thúc hợp đồng với HTX Dệt chiếu Vĩnh Long, ông Chất tách ra làm riêng.
Cũng thời điểm này, nghề dệt chiếu không còn thịnh hành, nhiều tỉnh bạn đã chuyển sang mặt hàng đan. "Ban đầu gia đình tôi cũng lo lắng, tính toán chuyển sang học nghề đan. Gần 100 thợ dệt của cơ sở không chịu chuyển nghề do họ đã thành thạo nghề dệt, nay chuyển qua đan vừa mất thời gian lại mất nguồn thu nhập. Tôi phải năn nỉ miết, cuối cùng chỉ có khoảng 30 thợ đồng ý chuyển qua học nghề đan. Khi Trung tâm Khuyến công tỉnh mở lớp học nghề đan, cả gia đình tôi theo học. Công việc phải làm lại từ đầu" - ông Hai Chất kể.
Ngoài sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, doanh nghiệp của ông Hai Chất đang liên kết với 3 công ty lớn ở TP. Hồ Chí Minh để gia công các mặt hàng đan nhựa xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Hà Lan... Doanh thu năm 2011 của doanh nghiệp trên 1 tỷ đồng.
Năm 2003, ông chuyển qua làm mặt hàng đan nhựa, những thợ cũ trước đây thấy vậy xin vào học nghề lại. Năm 2004, nhiều khách hàng đặt ông Chất gia công các lô hàng lớn, họ đòi hỏi phải có chứng từ, hóa đơn. Trước đòi hỏi này, tháng 11.2004, ông đăng ký thành lập doanh nghiệp, do ông làm giám đốc.
Hiện nay, gia đình ông có 13 cơ sở đan nhựa đóng ở các huyện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, gồm Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú. Ba người con của ông cũng thành lập cơ sở đan nhựa của riêng mình.
"Khi tôi thành lập doanh nghiệp, việc điều hành rất bối rối. Vì vậy, năm 2006, khi Trung tâm Khuyến công tỉnh mở lớp học quản trị kinh doanh, tôi đăng ký tham gia học nhiều khóa"- ông thật thà nói.
Ngồi bên dàn máy vi tính mới toanh, ông Chất lướt chuột ào ào vô mạng. "Lúc trước, mỗi khi tìm được một mẫu mã mới, tôi phải chạy xe gắn máy lên tận Sài Gòn để giao dịch, tìm đối tác làm ăn. Nay thì khỏe rồi, mọi quan hệ giao dịch đều qua "meo" và điện thoại” - ông hào hứng nói. Ông cũng đã lập website (www.thucongmynghevanchat.com.vn) để giới thiệu doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm của mình.
Đức Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.