Hải Phòng: Vì sao giá đất đang sốt vù vù mà 25 hộ dân xã An Sơn vẫn vui vẻ hiến đất?

Trần Phượng Thứ bảy, ngày 22/05/2021 21:27 PM (GMT+7)
Trong khi giá đất đang lên vù vù, "tấc đất tấc vàng" thì 25 hộ dân trên địa bàn xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng vẫn vui vẻ tự nguyện hiến đất để cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã.
Bình luận 0

Không đòi hỏi tiền hỗ trợ, tự bỏ tiền túi để sửa sang nhà cửa

Hiện nay, chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Hải Phòng nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Những công trình được nâng cấp, xây dựng, hoàn thành thực sự là công trình của dân, do dân và vì dân nên người dân tự nguyện đóng góp và tham gia hết sức đồng thuận, nhiệt tình.

Cụ Thân Thanh Hà ( SN 1933), trú tại thôn 2, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng cho biết, An Sơn vốn là xã miền núi và thuần nông của huyện Thủy Nguyên. Nhiều năm qua, việc nâng cấp, mở rộng đường là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo của địa phương đã thay đổi hẳn, đường rộng thênh thang, hệ thống điện chiếu sáng chạy dọc hai bên đường khiến người dân vô cùng phấn khởi.

Gần đây, giá đất tại huyện Thủy Nguyên tăng vọt nên khi địa phương triển khai kế hoạch nâng cấp, mở rộng đường, có một số hộ cũng băn khoăn trong việc hiến đất.

Hải Phòng: Xã An Sơn “thay da đổi thịt” nhờ người dân hiến đất mở rộng đường - Ảnh 1.

Hải Phòng: Xã An Sơn “thay da đổi thịt” nhờ người dân hiến đất mở rộng đường - Ảnh 2.

Phần công trình nhà cụ Thân Thanh Hà đã tự chủ động lui vào để hiến đất mở rộng đường.

Để địa phương có bộ mặt đẹp, diện mạo được chỉnh trang, cụ Hà là người tiên phong hiến trên 15 m2 đất thổ cư và phá bỏ gần 17m2 công trình, tự bỏ tiền túi thuê người phá bỏ, xây dựng chỉnh trang lại với chi phí lên tới 70 triệu đồng.

Từ việc làm của cụ Hà đã góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần tự nguyện hiến đất tới các hộ dân. Có những hộ hiến trên 36 m2 đất thổ cư và phải phá bỏ gần 20 m2 công trình trên đất và cũng tự bỏ tiền túi để xây, sửa lại nhưng cũng đều vui vẻ. Tất cả các hộ dân còn lại khi mở đường liên xã có công trình phải dỡ bỏ đều vui vẻ chấp thuận.

Người dân nhận thức được việc mở rộng đường là được chứ không hề mất. Đường xá rộng, dễ lưu thông, bộ mặt địa phương cải thiện, đời sống người dân nâng cao, ...

Đường mở rộng, điện chiếu sáng giúp giảm thiểu tai nạn giao thông

Trao đổi với Dân Việt, cụ Thân Thanh Hà cho biết thêm, trước đó, đường xá trên địa bàn xã An Sơn ngoằn ngoèo, mặt đường xuống cấp, bị băm nát và bụi. Hiện nay, đường rộng rãi, sạch đẹp, điện cao áp thắp sáng đã giúp tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn giảm hẳn, người dân trong thôn xóm rất phấn khởi.

Hải Phòng: Xã An Sơn “thay da đổi thịt” nhờ người dân hiến đất mở rộng đường - Ảnh 3.

Cụ Thân Thanh Hà vui mừng chia sẻ với cán bộ địa phương về sự đổi mới nhanh chóng bộ mặt làng quê.

Cụ Bùi Phúc Ánh (SN 1940), cùng trú tại thôn 2, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng cho biết, người dân địa phương tình nguyện hiến đất, tự chủ động tháo dỡ công trình, tự bỏ tiền túi để sửa sang công trình phục vụ cho kế hoạch mở rộng tuyến đường liên xã của địa phương thực sự là điều rất tuyệt vời. 

Điều nhận thấy rõ nét nhất là hệ thống đường liên thôn, đường liên xã, cơ sở vật chất trường học, đặc biệt đời sống người dân được nâng cao, cụ Ánh rất vui mừng. Sự thay đổi rõ nét khiến người dân rất hào hứng, tin tưởng và ủng hộ. Nhiều người con xa quê hương, hay người địa phương khác có về An Sơn không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt" từng ngày của địa phương.

Hải Phòng: Xã An Sơn “thay da đổi thịt” nhờ người dân hiến đất mở rộng đường - Ảnh 4.

Tuyến đường liên xã Phù Ninh - An Sơn trong diện mạo mới.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Ngô Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng cho biết, địa phương vừa hoàn tất việc mở rộng tuyến đường liên xã Phù Ninh- An Sơn với diện tích chạy dài gần 2km. Tuyến đường cũng được lắp đèn cao áp và chiếu sáng vào buổi tối khiến người dân thực sự phấn khởi. 

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự đồng thuận rất cao của người dân địa phương. Nhờ vào sự tin tưởng, ủng hộ, chủ động hiến đất, phá bỏ công trình liên quan trên đất, không đòi hỏi tiền hỗ trợ nên việc nâng cấp, mở rộng đường đã triển khai, hoàn tất nhanh chóng.

Ông Tâm cho biết thêm, địa phương có cửa ngõ giáp ranh với huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Qua cầu Dinh (công trình kết nối Hải Phòng – Hải Dương) là chợ đầu mối rau quả, có sự kết nối giao thương nên lượng phương tiện giao thông qua địa bàn nhiều. Hệ thống đường được nâng cấp mở rộng, cầu Dinh sắp tới đi vào hoạt động và là điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế.

Theo đó, địa phương có kế hoạch mở rộng diện tích tập trung trồng cây đặc sản dựa trên thế mạnh của địa phương. Hiện tại, địa phương có sản phẩm đặc trưng là chuối và mật ong đang làm thủ tục chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Địa phương sẽ định hướng tập trung vào những sản phẩm là thế mạnh, áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh năng suất, xây dựng thương hiệu riêng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn xã.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem