Sau cuộc xung đột vũ trang Nga-Grudia
cuối năm 2008, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Serdyukov, Quân
đội Nga bắt đầu thực hiện một cuộc cải cách mạnh mẽ. Cơ cấu biên chế của lục
quân và không quân tồn tại suốt hơn 60 năm qua, đã nhanh chóng được cải tổ.
Các
quân chủng khác mặc dù vẫn giữ cơ cấu biên chế như cũ, nhưng bản thân các quân
chủng này cũng có những thay đổi hết sức to lớn, và sự thay đổi lớn nhất có thể
thấy chính là ở lực lượng Hải quân Nga.
Thay đổi cơ cấu chỉ huy
Giữa năm 2010, cùng với việc các quân
chủng tiếp tục hoàn thiện công việc cải cách cơ cấu tổ chức, biên chế cho phù
hợp với tác chiến liên hợp của chiến tranh hiện tại và tương lai, bốn bộ tư
lệnh chiến lược và chiến dịch với các lực lượng hải, lục, không quân có thể
thực hiện hiệp đồng tác chiến một cách song song.
Điều đáng chú ý là, sau khi 4 bộ tư lệnh
thành lập, tư lệnh quân khu phía Đông mới được bổ nhiệm lại chính là vị tướng
nguyên tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương. Đây là điều rất hiếm gặp trong công tác
bổ nhiệm trước đây. Từ đó có thể thấy quyết tâm của Bộ Quốc phòng Nga trong
việc thực hiện cân bằng giữa lục quân và các quân chủng khác.
Do thể chế chỉ huy được chuyển trực tiếp
từ Bộ Quốc phòng tới bốn bộ tư lệnh chiến lược-chiến dịch, nên chức năng của bộ
tư lệnh các quân chủng đã thay đổi cơ bản. Hiện nay, phạm vi quyền hạn của bộ
tư lệnh Lục quân và Không quân Nga đã bị thu hẹp rất nhiều so với trước đây, Hải
quân Nga cũng có thể sẽ phải cải cách theo mô hình của lục quân và không quân.
Tư lệnh hải quân sẽ chủ yếu phụ trách một số chức năng như đề ra kế hoạch chiến
lược, theo dõi tiến độ mua sắm các loại trang thiết bị, hợp tác với các viện
nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, hải quân là quân chủng có thể
đảm nhiệm các nhiệm vụ hoạt động tác chiến viễn chinh độc lập, nên trong tương
lai có thể một số hạm đội phải liên hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ, vậy khi
đó ai sẽ chỉ huy “Hạm đội liên hợp này”? Trong tình hình bộ tư lệnh hải quân đã
giảm quyền chỉ huy thực chất như hiện nay, thì quyền chỉ huy các hoạt động tác
chiến trước đây có thể sẽ do Bộ tổng tham mưu đảm nhiệm. Bởi vì, sở chỉ huy hải
quân hiện là một bộ phận trong thành phần chỉ huy tác chiến liên hợp thuộc Bộ Tổng
Tham mưu của Quân đội Nga.
Những thay đổi trong biên chế hạm đội
Thủy thủ đoàn của một tàu ngầm điện-diesel lớp Varshavyanka thuộc hạm đội Thái Bình Dương.
Mặc dù chức năng của Bộ tư lệnh Hải quân
Nga đã có những thay đổi rất lớn, nhưng các hạm đội hải quân ngoài việc thay
đổi đơn vị cấp trên, cơ cấu chỉ huy cơ bản hoàn toàn không có nhiều thay đổi,
chỉ có những điều chỉnh để tối ưu hoá lực lượng về biên chế và con người.
Trước đó, Bộ tư lệnh Hải quân và cơ quan
chỉ huy hạm đội vẫn rất cồng kềnh. Ví dụ hạm đội Phương Bắc, chỉ trong bộ tư
lệnh đã cắt giảm 15% sỹ quan và trên 17% nhân viên văn phòng.
Đơn vị bảo đảm
tinh thần cho bộ đội thuộc cơ quan tuyên huấn chính trị có từ thời Liên Xô cũ
đã giảm biên chế số lượng lớn trong lần cải cách này, một số sỹ quan, binh sỹ
không thuộc lực lượng chiến đấu cũng đều bị chuyển đổi thành nhân viên dân sự.
Ở lĩnh vực hậu cần, bảo đảm, những người đã đủ thời gian công tác cũng được bố
trí cho nghỉ hưu sớm.
Đơn vị tác chiến (lực lượng trên các
chiến hạm) vẫn được biên chế giống thời Liên Xô cũ theo các cấp: hạm đội, và
các đơn vị cấp dưới của hạm đội không có sự thay đổi lớn, tuy nhiên một số thay
đổi nhỏ cũng đang được tiến hành từng bước.
Ví dụ, hai phân đội của hạm đội tàu
ngầm thuộc Hạm đội Phương Bắc đã được hợp nhất trở thành bộ tư lệnh tàu ngầm
mới (có thông tin cho rằng bộ đội tàu ngầm thuộc hạm đội Thái Bình Dương cũng
sẽ có những điều chỉnh tương tự).
Ngoài ra, rất nhiều đơn vị của hải quân
cũng phải tinh giảm biên chế, theo yêu cầu của cải cách như: một số đơn vị
khung hay một số căn cứ hải quân, bởi vì rất nhiều tàu ngầm đã quá thời gian sử
dụng, khung biên chế trước đó cũng quá cồng kềnh.
Sự điều chỉnh trong lực lượng phòng
không-không quân hải quân
Trước khi cải cách, lực lượng phòng không-không
quân của Hải quân Nga được tạo thành chủ yếu từ lực lượng phòng không-không
quân tại các căn cứ ven biển. Điều đặc biệt là trong lực lượng phòng không-không
quân của hải quân có một trung đoàn phối thuộc cho tàu sân bay Hải quân Nga.
Lực lượng phòng không-không quân căn cứ
ven bờ và Không quân Nga đang được tiến hành cải cách đồng bộ nhằm tối ưu hóa
khi thực hiện tác chiến liên hợp. Ban đầu, các đơn vị “phụ cận” và các trung
đoàn phòng không-không quân cũ của bộ đội phòng không-không quân căn cứ ven bờ
được điều chỉnh để tạo thành 13 căn cứ phòng không-không quân.
Hải quân Nga sắp được trang bị trực thăng Ka-52 phiên bản hải quân.
Tuy nhiên, sau
khi phát hiện những bất cập tồn tại trong quá trình hợp nhất, Bộ Quốc phòng Nga
đã tiến hành điều chỉnh nhằm nâng cao “tính năng động” và thành lập căn cứ mới.
Căn cứ trước đó một phần lại trở thành đơn vị không quân thuộc căn cứ mới. Ví
dụ như, lực lượng phòng không-không quân của hải quân thuộc Hạm đội Baltic đã
điều chỉnh hợp thành căn cứ không quân thống nhất, biên chế căn cứ trước đó đã
trở thành đơn vị không quân.
Tháng 4.2011, Quân đội Nga đã ra quyết
định chuyển toàn bộ máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thuộc lực lượng phòng
không-không quân của hải quân bàn giao cho không quân, các loại máy bay chủ yếu
gồm: Tu-22M, Su-24, Su-27/MiG-31.
Còn một số máy bay đặc chủng mà hải quân sử
dụng như: máy bay tuần tra săn ngầm Tu-152, IL-38, các loại trực thăng trang bị
trên tàu được biên chế lại cho hải quân.
Sở dĩ Quân đội Nga đưa ra quyết định
trên bởi vì sau khi bốn bộ tư lệnh chiến lược, chiến dịch mới được thành lập, hải
quân và không quân sẽ tạo thành lực lượng tác chiến liên hợp, do đó tổ chức
biên chế như vậy sẽ giảm bớt được công tác bảo đảm hậu cần.
Tuy nhiên, Hạm đội
Biển Đen lại là một ngoại lệ. Do vị trí địa lý đặc thù và môi trường phức tạp
của khu vực này, cho nên tổ chức biên chế cũ vẫn được duy trì. Một số thông tin
cho rằng, hiện nay Nga đang có kế hoạch mua khoảng 30 máy bay chiến đấu đa năng
Su-30SM, trong đó trang bị cho Hạm đội Biển Đen 12 máy bay nhằm thay thế những
chiếc Su-24 đã quá cũ.
Nga tạm thời vẫn chưa xác định kế hoạch cho
tàu sân bay trong tương lai, tuy nhiên, quyết tâm duy trì một tàu sân bay duy
nhất hiện nay vẫn không thay đổi.
Trên phương diện trang bị, hiện nay trang
bị của lực lượng phòng không-không quân thuộc Hải quân Nga phần lớn là trang bị
cũ. Máy bay tuần tra săn ngầm chỉ được biên chế trong Hạm đội Phương Bắc và Hạm
đội Thái Bình Dương, với tổng số 25 chiếc Il-38, 15 chiếc Tu-142, Hạm đội Biển
Đen chỉ có 4 chiếc Tu-142, Hạm đội Baltic không có chiếc nào.
Hiện nay, Nga
đang bắt đầu nâng cấp máy bay Il-38 và Tu-142 thành Il-38N và Tu-142M/MR. Hạm
đội Phương Bắc đã tiếp nhận một số máy bay Il-38N cải tiến. Có thông tin cho
rằng, sắp tới, một số máy bay Il-38N nâng cấp sẽ được chuyển giao cho Hạm đội
Biển đen sử dụng.
Về phương diện máy bay trang bị trên tàu,
tháng 3.2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua 24 MiG-29K với hãng MiG,
những máy bay này sẽ thay thế máy bay chiến đấu Su-33 trong tương lai. Dự kiến
đến trước năm 2020, Hải quân Nga sẽ trang bị thêm 70 máy bay Ka-27M và Ka-29M
cải tiến.
Cùng với việc mua sắm thêm tàu đổ bộ tiến công lớp “Northwest Wind”,
Quân đội Nga còn tiếp tục đặt mua 30 máy bay Ka-52K. Đây là phiên bản trực
thăng vũ trang tiến công Ka-52 của lục quân, loại máy bay này được trang bị khả
năng vô hiệu hóa ra đa, có thể được trang bị loại tên lửa đối hạm Kh-31/35.
Tường Bách (Tường Bách)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.