Hai quy trình của miếng thịt heo

Thứ năm, ngày 12/04/2018 15:57 PM (GMT+7)
Sản xuất theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc là hướng đi đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn sản xuất chuỗi, nhưng với mặt hàng thịt heo đến nay vẫn chưa có. Vì sao?
Bình luận 0

Chưa đồng bộ!

Tại hầu hết các siêu thị Co.opmart, Co.opfood, Satrafoods ở thị trường TP.HCM đều có quầy thịt heo riêng (thương hiệu Vissan). Nơi đây, có nhân viên trực quầy để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, nếu nói một cách đúng nghĩa, thịt heo bán ở trên chưa sản xuất theo chuỗi, chưa truy xuất được nguồn gốc!.

img

Đến nay, chuỗi thịt heo vẫn đang bị "què" ở nhiều khâu nguồn gốc. Ảnh: TL

Hiện nay, Vissan là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn cung cấp thịt heo tươi sống tại các hệ thống Co.opmart, Satrafoods... Vissan có nhà máy giết mổ, có trang trại chăn nuôi, nhưng số lượng không đáp ứng đủ nên hàng ngày, vẫn phải mua thịt heo bên ngoài thị trường. Tất nhiên, heo mua của dân đã được kiểm soát chất lượng (có đeo vòng truy xuất) nhưng thông tin truy xuất mới chỉ dừng lại ở thông tin chủ trại, còn quá trình kiểm soát từ con giống, thức ăn, quy trình nuôi, nhật ký sản xuất… vẫn chưa đầy đủ. Nghĩa là, thông tin truy xuất nguồn gốc còn “què”.

Tương tự, hiện nay thịt heo bán ở hệ thống cửa hàng Sagrifood hay Lotte, Metro, Big C… cũng chưa thể truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân là do các đơn vị bán lẻ này, hoặc không trực tiếp nuôi heo, hoặc có đơn vị tự tổ chức nuôi heo, kiểm soát từ con giống, thức ăn, nuôi dưỡng; nhưng lại chưa có nhà máy giết mổ hiện đại đúng nghĩa. Nuôi được con heo nhưng phải thuê nhà máy giết mổ gia công, nên chưa thể tự kiểm soát hết các rủi ro ở tất cả các khâu.

Cuối năm ngoái, Anova Farm là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam lấy được giấy chứng nhận GlobalGAP của tổ chức Control Union (Hà Lan) cho trang trại chăn nuôi tại hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu, với quy mô 2.400 heo nái và 12.000 heo thương phẩm. Trong giai đoạn 1, mỗi năm Anova Farm cung cấp ra thị trường hơn 5.000 heo giống đực và cái, hơn 55.000 con heo thịt. Anova Farm nuôi được heo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng vì chưa có nhà máy giết mổ đúng tiêu chuẩn, phải thuê các cơ sở khác giết mổ gia công (Việt Nam hiện nay chưa có nhà máy giết mổ nào đạt tiêu chuẩn hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu) để đưa sản phẩm ra thị trường, vẫn chưa đạt được nguyên tắc truy xuất hoàn chỉnh!

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi FDI khác như C.P, Japfa, Emivest, CJ… cũng trong tình cảnh như Anova Farm. Miếng thịt từ những địa chỉ này đến tay người dùng vẫn có nguy cơ nhiễm vi sinh, vi khuẩn như thường, chỉ vì họ chưa có nhà máy giết mổ riêng.

Hai quy trình khép kín của miếng thịt heo

Chăn nuôi heo ở Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn là giá thành và an toàn thực phẩm (ATTP). Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các quốc gia như Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu đang có giá heo xấp xỉ 1 USD/kg hơi, trong khi Việt Nam là 1,3 USD/kg hơi. Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam là rất thấp, chưa nói đến vấn đề ATTP.

Để giải quyết yếu kém này, theo TS Kiều Minh Lực, chuyên gia trong ngành chăn nuôi, chăn nuôi ở Việt Nam cần thiết phải hướng đến chuỗi giá trị sản xuất. “Việc tiếp cận chuỗi giá trị thịt heo cần phải tư duy lại. Về ATTP cần phải tiếp cận và giải quyết theo mô hình “thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm” (feed – farm – food)”. Về tổ chức sản xuất và thị trường, cần phải đi ngược lại, từ “thực phẩm – trang trại – thức ăn chăn nuôi” (food – farm – feed)”, ông Lực kiến nghị. Cũng theo chuyên gia này, mô hình “feed – farm – food” áp dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý ATTP, còn “food – farm – feed” là mô hình tổ chức sản xuất và nền tảng cho áp dụng khoa học công nghệ.

Để chăn nuôi heo đi vào chuỗi giá trị sản xuất thịt heo, nhất thiết phải đi từ nhà máy giết mổ heo. Nhà máy có phần đóng góp của người chăn nuôi heo để họ có trách nhiệm...

Nhiều ý kiến khác cho rằng, để chăn nuôi heo đi vào chuỗi giá trị sản xuất thịt heo, nhất thiết phải đi từ nhà máy giết mổ heo. Nhà máy giết mổ không còn là tài sản của doanh nghiệp mà phải có phần đóng góp của người chăn nuôi heo, để họ đưa sản phẩm đến nhà máy và có trách nhiệm cung cấp đủ về số lượng và chất lượng. Nếu đi theo mô hình này, quy mô nhà máy giết mổ phụ thuộc vào quy mô trang trại hay của hiệp hội các trang trại tham gia. Mô hình này cũng cho phép sản xuất chuỗi truy xuất nguồn gốc, vì lúc đó chỉ còn người nuôi và nhà máy giết mổ, cắt khâu trung gian thương lái.

“Mô hình này cũng có thể đưa người nuôi nhỏ tham gia vào chuỗi với vai của một trang trại lớn hơn gấp hàng chục lần quy mô mà họ đang có”, ông Nguyễn Chí Công, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói. Ông giải thích, một hộ nông dân nuôi 120 heo nái, theo cách truyền thống, họ chỉ xuất bán heo thịt trung bình 8 con/ngày. Cách này đang gây lãng phí về nhân công, vận chuyển và phải có thương lái trung gian tiêu thụ heo hơi. Nếu họ tham gia vào nhà máy giết mổ có công suất 150 – 200 con/ngày, họ có thể xuất bán 150 – 200 heo thịt/lần xuất chuồng. “Như vậy, họ đang đóng vai của một trang trại lớn với quy mô 3.000 heo nái sản xuất 75.000 heo thịt/năm”, ông Công kết luận.

           

Bảo Anh (Thế giới tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem