Hạn chế kỳ thị bệnh nhân lao

Thứ ba, ngày 11/10/2011 16:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là kết quả mà nông dân 2 xã Hiệp Cát và Thanh Quang (xã Nam Sách, Hải Dương) có được sau thời gian ngắn thực hiện “hoạt động truyền thông về công tác phòng chống lao” do Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống lao hỗ trợ.
Bình luận 0

Sợ kỳ thị, mặc cảm…

Nằm dọc Quốc lộ 183B, huyện Nam Sách rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Gần đây các khu công nghiệp đồng loạt mọc lên, môi trường ô nhiễm, làm việc quá sức khiến nhiều nông dân bị nhiễm lao. Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hải Dương, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 30 - 50 ca, chủ yếu là viêm phế quản, viêm phổi, ho lao… Trong đó, lao chiếm 7 - 10 ca.

img
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hải Dương.

Bác sĩ Dương Thị Huệ- Trưởng khoa Lao mới, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hải Dương cho biết: “Đối với công tác phòng, chống lao, việc phát hiện, xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn vì sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế. Hơn nữa, xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh lao thường giấu bệnh không đi khám; nhân viên y tế còn thiếu và yếu”.

Mặc dù đã được các cán bộ trung tâm y tế xã vận động, nhưng bà con vẫn “ngại” khám bệnh. Rất nhiều người rơi vào tình trạng bệnh nặng mới được phát hiện, tồn tại tình trạng khạc, nhổ đờm bừa bãi làm gia tăng lây nhiễm trong cộng đồng.

Thiết thực mà hiệu quả

Được sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2011 – 2015 thực hiện qua TƯ. Hội Nông dân Việt Nam, tháng 8.2011, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã xây dựng mô hình “Chi hội Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, vận động người nghi mắc lao đi khám và điều trị theo DOTS”, đồng thời tổ chức truyền thông cho cán bộ và hội viên nông dân tại 2 xã Thanh Quang và Hiệp Cát về cách phòng, chống lao trong cộng đồng.

Tỷ lệ người nhiễm lao đang gia tăng ở các xã có khu công nghiệp phát triển mạnh. Nếu không có các biện pháp phòng bệnh, điều trị tốt cho những người mắc bệnh thì khó có thể kiểm soát được bệnh và làm nghèo hoá một bộ phận người dân.

Đặc biệt, cán bộ y tế thường xuyên tổ chức vận động bà con ý thức trong sinh hoạt để tránh lây nhiễm. Đến nay, việc quản lý, điều trị tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Việc cấp phát thuốc 1 tháng/lần tại xã được duy trì, thuận tiện cho việc nhận thuốc của bệnh nhân, hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định. Anh Nguyễn M.H - bệnh nhân lao đang được điều trị tích cực cho hay: “Được tư vấn chữa bệnh, phát thuốc miễn phí đều đặn nên tôi quyết tâm điều trị đúng liệu trình, đủ thời gian. Nông dân nói với nhau dễ nghe, dễ hiểu, dễ thông cảm hơn”.

Ông Cao Tiến Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương nói: “Trước đây bà con xem thường bệnh lao, sau khi được tư vấn, bà con thấy được sự nguy hại khi bệnh lây lan và cũng đã nắm được những kỹ năng cơ bản về phòng, chống lao. Do vậy, công tác tuyên truyền cũng như vận động đạt kết quả cao”.

Ông Tuấn cho biết thêm, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, có thu nhập thấp, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan. Vì vậy, công tác phòng, chống lao của tỉnh đặt mục tiêu phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh lao cho chính mình và cho cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem