Hàng cau quê ngoại

Bài, ảnh: Trung Công Thứ ba, ngày 03/11/2015 08:47 AM (GMT+7)
Ngày giỗ của ông ngoại nhưng ba mẹ lại bận công việc quá nhiều, nên chỉ mình tôi về quê để lễ ông. Cũng may tôi từ Campuchia mới về nên có phần rảnh rỗi. Sau bao năm tôi đi du học ở xứ người, giờ được trầm mình trong không khí đồng quê yên ả, mới thấy mình như đang được hồi sinh trong một hoàn cảnh khác, nó tươi mới và lâng lâng nhiều cảm xúc khó tả.
Bình luận 0

Nhà ngoại tôi nằm heo hút tận sâu giữa bạt ngàn đồng lúa, vòng vèo qua những con đường bùn lầy, phải men theo những triền đê nhỏ hẹp, qua 7 cây cầu dừa mới đến nơi. Xung quanh nhà ngoại bốn bề đều là cau, đây cũng là “cột mốc” ghi dấu cho những ai lần đầu tiên tìm đến nhà ngoại. Nhớ lời mẹ dặn, từ ngay con lộ lớn, tôi cứ nhắm theo hướng những hàng cau quê ngoại mà thẳng tiến. Thế nhưng tôi lại nhầm đường mấy lần, phải lòng vòng qua những thửa ruộng để đi tắt cho đúng hướng.

Thực ra đây không  phải là lần đầu tiên tôi về quê ngoại, mà ít nhất cũng dăm ba lần. Đó là lúc thiếu thời, vào những kỳ nghỉ hè, ba mẹ hay gửi tôi cho ông bà ngoại trông giùm để tiện việc đi làm ăn xa. Tôi vốn là cháu ngoại duy nhất nên được ông bà thương lắm.

img

Những cây cau cao vút, thân thẳng tắp ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (tháng 10/2013).

Trong trí nhớ của tôi thì quê ngoại có cả một vườn cau rộng lớn, nằm bao bọc xung quanh nhà như một bức tường cao vút. Những hàng cau này chính tay ông ngoại trồng khi còn thời trai trẻ, cốt để dành khi ông bà về già dùng ăn trầu. Cau của ngoại trồng xanh mướt, thân cau tuy mỏng manh đong đưa trước gió nhưng không khuất phục bởi những cơn bão dữ. Những buổi trưa hè oi bức, ngoại hay đem võng ra vườn mắc vào thân cau cho tôi nằm, kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, ru tôi vào giấc ngủ mê say.

Khi đã lớn thêm lên, tôi nhớ như in lời ngoại dạy: “Phận làm người phải biết sống sao cho xứng đáng với chính mình, gia đình và xã hội. Muốn được vậy thì trước tiên cháu phải có ý chí, tấm lòng và suy nghĩ ngay thẳng, cương trực, không nên quanh co hay giả dối…”. Tôi thắc mắc: “Ngay thẳng như thế nào hả ngoại?”. Ngoại chỉ lên thân cau và nói: “Đây này, cháu phải sống thẳng và ngay như cây cau này, như vậy mới trọn đạo làm người, cháu ạ!”. Ngày ông ngoại mất, cả nhà thương khóc khôn nguôi. Tôi cứ nằng nặc đòi ba mẹ đem ông về cho tôi, gọi ông dậy nói chuyện với tôi… Giờ nghĩ lại thấy mình vẫn còn trẻ con vô cùng…    

Sau bao nhiêu năm xa cách, hàng cau quê ngoại giờ đã già nua, thân cau chót vót, nhưng cành lá vẫn sum suê xanh mướt như ngày nào, không tàn úa theo thời gian. Kể từ khi ông ngoại mất, bà ngoại vẫn ăn trầu nhưng bằng thứ cau ngoại mua ngoài chợ chứ không hái quả cau ở trong vườn. Ngoại bảo: “Bà không muốn bất cứ ai vì bà mà phải leo cau cao, nhỡ trượt chân ra đi vô ích. Thôi thì tốn ít tiền ra chợ mua cau cho tâm hồn nó thảnh thơi”. Nói về chuyện này, bà lại khóc vì nhớ đến ông.    

Đi bên ngoại dưới hàng cau rợp bóng, lắng nghe tiếng chim trong vườn hót êm tai, gió mơn man vào da, làm bồng bềnh mái tóc, tôi cảm thấy mình như đang về lại ký ức của một thời thơ ấu với những hàng cau quê ngoại thân thương, mà mỗi ngày tôi vẫn chơi đùa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem