Hàng chục người chết, hàng ngàn ngôi nhà vẫn chìm ngập trong mưa lũ

Đình Thiên - Công Xuân - Đăng Nhật-Trương Hồng Thứ sáu, ngày 16/12/2016 10:52 AM (GMT+7)
Mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã khiến nhiều địa phương trên khắp địa bàn miền Trung bị thiệt hại nặng. Hàng chục người dân chết, hàng ngàn ngôi nhà bị nước nhấn chìm, nhiều tỉnh thành phải cho học sinh nghỉ học...
Bình luận 0

 img

Người dân Hội An chạy lũ trong đêm (ảnh Đình Thiên)

Sáng 16.12, Chi cục Phòng chống Thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ vừa phải có công điện gửi các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân trong và sau lũ.

Theo Chi cục này, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông nên từ nay đến hết ngày 17.12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 150mm), riêng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to (200-300mm).

Chỉ tính riêng từ ngày 12.12 đến nay, mưa lũ đã làm 3 người chết, 6 người bị thương. Hơn 50 căn nhà bị sập, hư hỏng nặng, gần 5.000 căn đang bị ngập, có nơi ngập sâu gần 2 m.

Hiện UBND TP.Đà Nẵng đã cho học sịnh ở vùng bị ngập sâu là huyện Hòa Vang nghỉ học từ ngày 15.12.

Tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh này đã yêu cầu các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TP.Hội An chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tỉnh này đã nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này đã yêu cầu lực lượng Công an  tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường lớn trên QL 1A. Yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo chốt chặn tại các vị trí ngập sâu, ngầm tràn.

Trong khi nhiều địa bàn khắp các tỉnh miền Trung đang vất vả chống chọi với mưa lũ thì hàng loạt hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng đồng loạt xã lũ. Đến 10h ngày 15.12, có 5 hồ chưa thủy lợi vừa và lớn đang vận hành xả. Còn hồ thủy điện, tính đến 4h sáng nay (16.12), đã có 14 hồ xả qua tràn, trong đó có 06 hồ xả với lưu lượng trên 800m3/s. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã chỉ đạo điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm giảm ngập tối đa cho vùng hạ du.

img

Cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo trên quốc lộ 1A

Tại Quảng Ngãi, quốc lộ 1A, đoạn đi qua thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, nước lũ đã tràn qua mặt đường sâu khoảng 0,3m. Người phương tiện lưu thông qua đây vô cùng khó khăn. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng Quảng Ngãi đã cử người canh gác, hỗ trợ.

Tỉnh Quảng Ngãi đã phải tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 1.579 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn....

Cơn lũ làm lở núi "vùi" trường học. Chỉ trong tích tắc, hàng trăm m3 đất đá từ lưng núi phía sau bất ngờ lở, đổ ập xuống vùi lấp và xô ngã toàn bộ dãy phòng của trường Tiểu học Sơn Nham, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà.

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, bà Đinh Thị Thanh Hường, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Do mưa vẫn còn quá lớn, nên việc khắc phục trường tiểu học Sơn Nham bị núi vùi vẫn chưa thể thực hiện.

img

Trường học bị thiệt hại do mưa lũ.

Tại Quảng Nam, theo ghi nhận của PV Dân Việt, đã có nhiều nơi bị cô lập với bên ngoài, đường sá bị ngập nước sâu, nhiều tuyến đường xuống TP Hội An hay lên Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc đã bị cô lập…

Có mặt tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên đường từ thị trấn lên Trà Kiệu đã bị ngập sâu trong nước, tuyền đường thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn đi lên các xã vùng cao và xuống Hội An đã bị cô lập sâu trong nước. Người dân phải dùng thuyền, xuồng nan lưu thông trong lũ rất nguy hiểm và đã có một người bị điện giật trong lũ. 

Ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam-cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một người đàn ông bị điện giật tử vong trong lúc dọn lũ. Trước đó khoảng 18g15 ngày 15.12 nước lũ đang dâng cao gây ngập nhiều nhà ở khu vực xã Đại Cường. Do chuồng heo của nhà bị ngập nước lũ, ông Trần Văn Hùng (49 tuổi, trú thôn 8, xã Đại Cường) đã bắt heo đưa lên nơi cao tránh lũ. Bất ngờ trong lúc bắt heo ông Hùng bị vướng dây điện và bị điện giật ngã xuống nước lũ. Khoảng 15 phút sau gia đình mới phát hiện thì ông Hùng đã tử vong.

Cũng theo ông Đạt tối 15.12 và rạng sáng 16.12 khu vực xã Đại Cường bị ngập rất râu. Có hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong lũ khoảng 1-2m. “Sáng cùng ngày chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Hiện khu vực vào đây nước còn ngập sâu, chúng tôi phải đi bằng ghe”-ông Đạt nói.

Tại Gia Lai, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến dòng sông A Yun, đoạn chảy qua địa bàn huyện Mang Yang nước dâng cao đột biến. Đáng chú ý, cầu tràn A Yun trên tỉnh lộ 666, bị nước lũ nhấn chìm làm cô lập 5 xã với hàng ngàn hộ dân.

Qua nhièu ngày mưa lớn kéo dài đã khiến dòng sông A Yun trên địa bàn huyện Mang Yang nước đổ về ngày càng nhiều. Hàng trăm người dân cùng nhiều phương tiện giao thông qua tuyến đường này không thể di chuyển. 5 xã phía Đông của huyện Mang Yang, gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê A, Kon Chiêng và Đăk Trôi với hàng nghìn hộ dân bị cô lập, tuyến đường từ 5 xã ra trung tâm huyện Mang Yang bị cắt đứt hoàn toàn. Cuộc sống của người dân tại khu vực trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

img

Nhiều người dân không thể qua sông do mưa lũ dâng cao.

Anh Phan Minh Thành, ở xã Kon Thụp cho biết nếu muốn đi đến trung tâm huyện Mang Yang thì phải đi ngược về huyện Ia Pa rồi theo tỉnh lộ 662 qua huyện Kông Chro đến quốc lộ 19 rồi mới quay ngược lại trung tâm huyện, quãng đường cũng gần 100 km.

Ông Đinh Búi - Chủ tịch UBND xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, Gia Lai) cho biết: “Trước mắt chúng tôi chỉ còn cách cử dân quân canh phòng và căng dây cảnh báo người dân không đi qua cầu. Cứ mùa mưa lũ về thì sông này lại bị nước dâng và ách tắc giao thông. Đây là con đường trọng yếu của 5 xã bên sông, sinh hoạt, đời sống, đi lại rồi giao thương hàng hóa đều bị đình trệ khi gặp lũ”.

Quảng Ngãi: Điều ca nô để giải cứu người đi đưa tang

Mưa lớn liên tục, nước từ thượng nguồn về nhanh làm nhiều nơi bị cô lập, trong đó có khu vực gia đình nhà bà "A.K", thuộc ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, khiến nhiều người đến tham dự đám tang ở nhà bà bị mắc kẹt. Trước tình hình nước dâng lên ngày một cao, có thể gây nguy hiểm cho người tham gia thăm viếng, chính quyền địa phương đã điều động ca nô vào để chở ra.

img

Qua quan sát của phóng viên báo Dân Việt, dù vị trí nhà của bà "A.K" chỉ nằm cách đường Quốc lộ 1A về hướng tây khoảng 500m, nhưng hiện toàn bộ khu vực nhà bà "A.K" và xung quanh đã bị nước lũ vây quanh sâu hơn 1m, đồng thời nước chảy rất mạnh và xiết.

img

Lực lượng chức năng đang đưa ca nô vào giải cứu người đưa tang bị kẹt.

Vì không thể chạy ca nô theo lối đường bộ cũ, lực lượng chức năng huyện Tư Nghĩa phải đưa phương tiện về phía nam, để chạy vòng xuống và đưa người thăm viếng ra khỏi vùng lũ bao vây.

Công Xuân

Quảng Ngãi : Nhiều người dân "cược mạng" cho thuỷ thần ra sông Trà Khúc để vớt củi

img

Bất chấp mưa đang diễn ra dữ dội, nước lũ đổ dồn về và mực nước sông Trà Khúc hiện lên trên mức báo động III, tại bờ nam sông Trà Khúc, đoạn chảy qua địa bàn TP.Quảng Ngãi luôn có hàng chục người ra vớt củi. Để lấy được củi đang trôi, người tham gia phải lội ra phía ngoài mép nước, dùng cây sào khoèo, móc củi đang trôi và kéo vào bờ.

Lý giải cho việc làm nguy hiểm của mình, nhiều người thản nhiên: "Đứng vớt ở phía trong gần bờ, nên đâu có nhiều nguy hiểm gì (?).

Được biết chính quyền TP.Quảng Ngãi đã nghiêm cấm, đồng thời cử lực lượng ra ngăn cản. Thế nhưng khi thấy người của chính quyền đến, thì số tham gia lui vào và lên bờ đứng, sau khi lực lượng chức năng đi thì lại ra khoèo, vớt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem