Đi máy bay để... trộm
Chỉ tính từ cuối tháng 10, đã có 6 trường hợp hành khách là người Trung Quốc được ghi nhận có hành vi lục lọi hành lý, trộm cắp tài sản của hành khách trên các chuyến bay.
Hành khách Wang QingJian bị an ninh sân bay Đà Nẵng bắt giữ cùng tang vật
trộm cắp ngày 24.11. Ảnh: M.P
Vụ mới nhất được lực lượng chức năng sân bay ở Việt Nam phát hiện là hành khách Wang QingJian (SN 1964, quốc tịch Trung Quốc), có hành vi trộm cắp trên chuyến bay VN104 từ TP.HCM đi Đà Nẵng vào ngày 24.11.
Khi đến sân bay Đà Nẵng, Trung tâm An ninh hàng không Đà Nẵng đã kiểm tra hành khách này và thu giữ số tiền hơn 400 triệu đồng trong vali. Qua xác minh, số tiền trên là của một hành khách người Việt Nam ngồi ghế 20A trên cùng chuyến bay với Wang QingJian.
Trước đó, ngày 18.11 trên chuyến bay VN595 từ Hongkong đến TP.HCM, hành khách Tong Guagming (SN 1974, quốc tịch Trung Quốc) cũng đã bị phát hiện lục lọi hành lý của người khác.
Còn trên chuyến bay VN 278 từ TP.HCM đi Hà Nội vào ngày 8.11, một người Trung Quốc khác cũng bị bắt quả tang khi đang lục túi của người khác. Đối tượng là Li Jun (SN 1965) đã lục đồ trong túi của hành khách ngồi ghế 18D khi máy bay chuẩn bị cất cánh. Đáng nói, khi tiếp nhận tên trộm Li Jun, cán bộ hàng không rất ngạc nhiên khi thấy hộ chiếu của người này được cấp vào đầu tháng 2.2016 nhưng đã nhập cảnh hơn 10 quốc gia (!?).
Đại diện Vietnam Airlines cho biết tình trạng trộm cắp trên các chuyến bay được ghi nhận từ năm 2010. Ban đầu chỉ diễn ra trên các chuyến bay quốc tế, sau đó các chuyến bay nội địa cũng trở thành mục tiêu của đạo chích.
Lục đồ chỉ phạt hành chính, trục xuất
Trong khi các đối tượng trộm cắp hành lý trên máy bay có những thủ đoạn ngày càng tinh vi thì biện pháp xử lý vẫn được cho là nhẹ, nên tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm.
Như trường hợp của Tong Guagming trên chuyến bay VN595 từ Hongkong đến TP.HCM ngày 18.11, hành khách này bị phát hiện khi đang lục lọi hành lý của người khác, chưa hoàn thành việc lấy cắp tài sản. Vì vậy khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, đối tượng này chỉ bị xử lý về việc vi phạm Luật Nhập cảnh, không đủ điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam. Đối tượng này đã bị trục xuất về Hongkong cũng trên một chuyến bay khác của hãng hàng không Vietnam Airlines. Thậm chí, có trường hợp bị phát hiện đã lấy tài sản của hành khách khác nhưng đối tượng trộm cắp chỉ bị xử phạt hành chính. Như ngày 17.11, sau khi bị phát hiện lấy 2 máy ảnh và một phong bì đựng 5 triệu đồng của hành khách trên chuyến bay VN164 từ Đà Nẵng đi Hà Nội, đối tượng Yang Yong (người Trung Quốc) chỉ bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Các đối tượng đã từng bị phát hiện có hành vi lục đồ, trộm cắp trên máy bay được hãng lập danh sách, đưa vào diện theo dõi. Những vị khách thuộc diện nghi vấn sẽ được bố trí ngồi ở các vị trí dễ quan sát và được các tiếp viên bám sát, ngăn chặn kịp thời hành vi”.
Đại diện Vietnam Airlines
|
Hay trường hợp hành khách Li Jun khi bị bắt quả tang ăn cắp trên máy bay ở Việt Nam cũng chỉ bị trục xuất trên chuyến bay gần nhất mà không bị xử phạt vì các cơ quan chức năng đánh giá hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trước thực tế này, biện pháp mà Vietnam Airlines đưa ra, theo đại diện của hãng này là đã chỉ đạo các tổ bay cũng như tiếp viên trên các chuyến bay nâng cao trách nhiệm đảm bảo tài sản của hành khách trên chuyến bay. Các tiếp viên của Vietnam Airlines đều được huấn luyện kỹ năng phòng chống trộm cắp, qua đó tiếp viên có thể nhận thức rõ hơn về trình trạng trộm cắp trên chuyến bay, có kiến thức nhất định trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối tượng trộm cắp.
Các đối tượng đã từng bị phát hiện có hành vi lục đồ, trộm cắp trên máy bay được hãng lập danh sách, đưa vào diện theo dõi. Ngay từ khi những người này đặt mua vé sẽ được hãng đưa vào giám sát. Những vị khách thuộc diện nghi vấn sẽ được bố trí ngồi ở các vị trí dễ quan sát và được các tiếp viên bám sát, ngăn chặn kịp thời hành vi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.