Hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi làm người mẫu trong đêm hội Ngày Sân khấu Việt Nam
Hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi gây bất ngờ khi làm người mẫu trong đêm hội kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam
Hà Tùng Long
Chủ nhật, ngày 04/09/2022 07:05 AM (GMT+7)
Tối 3/9, tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hầ Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 - 2022) và ngày Sân khấu Việt Nam năm 2022 (12/8 âm lịch).
Ngày hội có sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, soạn giả… đến từ nhiều lĩnh vực sân khấu. Trong đó, gây bất ngờ hơn cả chính là màn trình diễn áo dài của các nghệ sĩ sân khấu kịch như: NSND Trần Nhượng, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Minh Hòa, NSND Thu Hà, NSND Trung Hiếu, NSND Tự Long, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Thu Huyền (Chèo), NSƯT Tú Oanh, NSƯT Trịnh Kim Chi, diễn viên Thiện Tùng, Quỳnh Hoa, Thanh Hương, Tô Dũng… Nhiều khán giả cảm thấy hào hứng vì sự xuất hiện của các "người mẫu" nghệ sĩ trên sân khấu khác lạ so với khi hóa thân thành nhân vật trong các vở kịch, bộ phim.
Phát biểu tại buổi lễ, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, từ khi thành lập chỉ có 379 hội viên, đến nay, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có 2.600 hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước, trong các loại hình nghệ thuật: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, sân khấu dù kê…
65 năm qua, nhiều tác phẩm sân khấu, với những hình tượng nghệ thuật đặc sắc do tập thể các nghệ sĩ sáng tạo đã khắc họa sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình, ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng. Ngoài đề tài về chiến tranh cách mạng, nhiều tác phẩm sân khấu mang tính dự báo cao, góp phần đẩy lùi những thói hư tật xấu của con người, những tư tưởng nhận thức cũ kỹ, lạc hậu níu kéo, kìm hãm sự thay đổi và phát triển của xã hội…
Trong đó, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
"Giữa sự tác động bề bộn, ngổn ngang của cơ chế thị trường, những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói riêng vẫn luôn gạn đục khơi trong, vượt qua mọi khó khăn để nhắc nhở thế hệ hôm nay không bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, không bao giờ quên quá khứ bi tráng và sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh thông qua những câu chuyện kịch, những hình tượng nghệ thuật trên sân khấu", NSND Trịnh Thúy Mùi phát biểu.
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ mới
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu rằng: "Trước những yêu cầu mới, văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu cần tiếp tục tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người Việt Nam hiện đại".
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động, để Hội thực sự là nơi quy tụ các nghệ sĩ sân khấu của cả nước, hỗ trợ, khích lệ sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Hội cần phát huy tốt hơn vai trò tư vấn và phản biện xã hội, tích cực tư vấn cho Đảng, Nhà nước những giải pháp thiết thực, từng bước xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời đại.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng khẳng định, kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là ngày hội của các đồng nghiệp trong mái nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. 65 năm qua, nền văn hóa Việt Nam, nền văn học nghệ thuật mới của Việt Nam đã có những bước đi ngoạn mục, trưởng thành vượt bậc.
Các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng sáng tạo, không ngại cống hiến, hy sinh tuổi trẻ, thậm chí cả thân mình để lại những tác phẩm, dấu ấn lịch sử viết bằng tâm huyết, làm nên những trang sử bằng hình ảnh, âm thanh, hình tượng để ca ngợi đất nước, ca ngợi 2 cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như công cuộc đổi mới, luôn hướng tới nhân dân, tới Đảng với niềm tin son sắt và văn nghệ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc.
Đại diện Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vinh danh, chúc mừng các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà viết kịch có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu. Ảnh: Thanh Tùng.
Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức vinh danh đại diện các nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, tổ chức chương trình biểu diễn Lễ hội đường phố có chủ đề "Tinh hoa nghệ thuật Việt" với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như: múa rồng, múa lân, múa cờ, múa trống, giới thiệu với công chúng các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca kịch Huế, múa rối, xiếc, sân khấu hiện đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.