Hàng Trung Quốc “vươn vòi” tung hoành

Thứ sáu, ngày 19/10/2012 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng Trung Quốc chất lượng chưa kiểm định đang hoành hành tại thôn cùng ngõ hẻm nước ta, với đủ các loại hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng, thực phẩm...
Bình luận 0

Dân thích nên phải nhập

Một lần vượt đường xa gần 400km từ Hà Nội đến chợ trung tâm của huyện Xín Mần, Hà Giang, phóng viên nhận thấy 1 điều: Hàng loạt mặt hàng như quần áo, ô dù, hay bánh kẹo, nước ngọt... có xuất xứ Trung Quốc được người dân khá ưa chuộng.

img
Nhập khẩu hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Trong khi các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam đang vật lộn để tồn tại do hàng tồn kho cao thì hàng Trung Quốc lại tung hoành khắp các vùng từ đô thị đến nông thôn, vùng miền núi xa xôi...

Anh Hoàng Ngọc Quang - chủ một quầy hàng tại chợ huyện Xín Mần nói: Vào phiên chợ cuối thứ 7 và Chủ nhật, người Trung Quốc còn đưa hàng sang bán trực tiếp ngay cổng chợ. Trẻ con tranh đua nhau mua nước uống, các loại kẹo xanh đỏ. Theo lời giải thích của các tiểu thương tại chợ: Người dân thích vì nó “đẹp và rẻ” thì cứ nhập về bán.

Đấy là chợ vùng cao! Còn tại vùng đồng bằng, trung du, và ngay giữa Hà Nội, mỗi ngày hàng trăm mặt hàng rau quả phục vụ cho bữa ăn cũng được ùn ùn nhập về, đóng gói trong thùng carton in chữ Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang nhiều xe ô tô chờ gà nhập lậu từ Trung Quốc về tiêu thụ.

Các đối tượng buôn bán gà nhập lậu cho biết, giá gà mua buôn từ các tỉnh biên giới khoảng 35.000 đồng/con. Nếu vận chuyển trót lọt về Hà Nội tiêu thụ, gà nhập lậu - phần nhiều trong số đó là gà thải loại, gà bệnh... bán ra thị trường khoảng 150.000 đồng/con. Chính vì khoản siêu lợi nhuận có được từ buôn gà, theo các cơ quan chức năng, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chở gà từ các tỉnh biên giới vào Hà Nội tiêu thụ, người tiêu dùng rất khó phân biệt được.

Nhận biết hàng Trung Quốc qua mã vạch

Nhiều chuyên gia cho rằng, nỗ lực xuất khẩu sang các thị trường khác không đủ bù vào nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Do vậy, theo TS Lê Đăng Doanh, cần có lộ trình để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, đặc biệt là xây dựng các rào cản kỹ thuật, chất lượng...

Trên thực tế, không dễ để phân biệt hàng xuất xứ Trung Quốc bởi hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường trong khi các dấu hiệu nhận biết hàng thật hàng giả là rất mong manh.

Để có thể phân biệt sản phẩm không phải là hàng nhập từ Trung Quốc thì ngay đến các cơ quan quản lý cũng phải vất vả mới xác định được, trong khi người dân chỉ biết cảm nhận qua các giác quan. Đặc biệt là để đối phó với chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc, nhiều mặt hàng Trung Quốc không ghi nguồn gốc trên nhãn mác.

Để phân biệt các mặt hàng Trung Quốc, một trong các cách dễ nhìn thấy bằng mắt thường là mã số vạch của sản phẩm. Những con số của mã vạch trên sản phẩm là bằng chứng thể hiện xuất xứ của các mặt hàng “Made in China” dễ nhận thấy nhất.

Mỗi khi mua hàng hóa, người tiêu dùng nên nhìn xem xuất xứ của mặt hàng đó từ đâu dựa theo mã số vạch (Country Code), bởi đôi khi hàng Trung Quốc cũng “đội lốt” các sản phẩm của nước ngoài. Các mã số sau chứng tỏ sản phẩm làm tại Trung Quốc: 690..., 691..., 692.., 693..., 694..., 695...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem