Hành lang thoát lũ sông Hồng gặp họa bởi “nhân tai”: Lúng túng xử lý hậu quả (Bài 2)
Hành lang thoát lũ sông Hồng gặp họa bởi “nhân tai”: Lúng túng xử lý hậu quả (Bài 2)
Nhóm PV
Thứ sáu, ngày 26/05/2023 07:13 AM (GMT+7)
Dù các vi phạm về sử dụng đất sai mục đích đất, vi phạm không gian, hành lang thoát lũ sông Hồng (Hà Nội) đã được chỉ rõ. Vậy nhưng, đến nay hầu hết các sai phạm được nêu vẫn tồn tại...
Clip các công trình nhà xưởng nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng. Thực hiện: Nhóm PV Dân Việt.
Muôn vàn lý do để… chậm xử lý vi phạm
Như Dân Việt phản ánh trong bài trước, trên hành lang thoát lũ sông Hồng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội thời gian qua đã tồn tại nhiều trạm trộn bê tông, nhà xưởng, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn. Những công trình nhân tạo này đang vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật hiện hành như Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng, Luật Đất đai.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hiện phường đang thực hiện chỉ đạo của các cấp để xử lý vi phạm liên quan đến trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức, tuy nhiên sai phạm trải qua các thời kỳ từ khoảng năm 2010, các quy định pháp luật bổ sung, sửa đổi cũng khác nhau nên hiện nay phường đang nghiên cứu hồ sơ, thực hiện theo kết luận Thanh tra của Thành phố Hà Nội.
"Năm 2017 UBND phường Lĩnh Nam đã tổ chức xử lý cưỡng chế nhưng đơn vị vi phạm chống đối quyết liệt, thậm chí họ kéo xe ra xịt lốp. Hiện nay thực hiện kết luận thanh tra chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện, vẫn xử lý, khó khăn đến đâu báo cáo đến đó" - Phó chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam khẳng định .
Về việc để sai phạm tồn tại kéo dài hàng chục năm qua, ông Cường cho biết việc xử lý hiện nay còn vướng vì liên quan đến nhiều Luật hiện hành, trong đó có Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đê điều dẫn đến khó khăn cho quận và phường thực hiện xử lý các vi phạm.
"Hiện nay những vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức thành phố Hà Nội đã có chỉ xử lý đúng quy định pháp luật, phường cũng đã thực hiện chỉ đạo của quận, hiện đang nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chỉ đạo phường thực hiện, hoặc phối hợp với các bên liên quan thực hiện chứ mỗi mình phường không thực hiện được. Với công trình này, chúng tôi vận động nhiều lần rồi" ông Cường cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Hà, huyện Gia Lâm lý giải công trình vi phạm hành lang thoát lũ thuộc địa bàn mình quản lý khó xử lý vì "trên bãi canh tác bên kia trên sông khó quản lý". Nhưng vị này cũng xác định, địa điểm xây dựng trạm trộn bê tông nằm ven sông và nằm trong quy hoạch cảng Giang Biên nên vi phạm các quy định về Luật đê điều.
Theo ông Thịnh, đến thời điểm này, sau hơn một năm Kết luận Thanh tra của thành phố chỉ ra các sai phạm, xã Dương Hà đã và đang phối hợp tích cực với Phòng Kinh tế, Tài nguyên Môi trường, Đội trật tự xây dựng, Chủ đầu tư xây dựng và một số phòng, ban liên quan giải quyết. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ dừng lại ở khâu "xây dựng báo cáo kế hoạch và đang lập phương án".
Mọi thứ mới chỉ dừng lại ở lập phương án bởi theo vị này, chi phí để tháo dỡ vi phạm là rất lớn, chính quyền cấp xã không có kinh phí, mặc dù là theo quy định của pháp luật thì đơn vị bị cưỡng chế phải là chịu trách nhiệm chi trả. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị vi phạm chưa thực hiện việc tháo dỡ công trình.
Theo UBND xã Dương Hà, ngoài ra, nguồn thu của xã sẽ không đáp ứng được yêu cầu về chỉ tiêu thu ngân sách của huyện giao. Đặc biệt, là khi khu đất công bỏ hoang người dân sẽ đổ trộm phế thải, lấn chiếm không có ai quản lý. Với nhưng lý do vừa nêu là nguyên nhân khiến trạm trộn bên tông xây dựng trái phép vi phạm Luật đê điều vẫn tồn tại.
Tại huyện Thường Tín, nơi để xảy ra những vi phạm lớn như xây dựng các nhà xưởng, trạm trộn bên tông, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép tồn tại hàng chục năm nay nhưng cũng lúng túng trong xử lý.
Trao đổi với phóng viên, Đại diện Phòng Kinh tế (UBND huyện Thường Tín) cho biết: "Vi phạm trải qua nhiều năm, hồ sơ có, kết luận có nhưng để giải quyết dứt điểm phải quay lại tìm hồ sơ ban đầu từ cấp xã và xã đề xuất xử lý".
Trách nhiệm của đơn vị quản lý địa phương
Với những sai phạm kể trên, mới đây Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ rõ, để xảy ra vi phạm tại các công trình có trách nhiệm của Hạt quản lý đê, chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng các quận huyện.
Cụ thể, đối với vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức, từ năm 2010 đến tháng 10/2015, Ủy ban nhân dân phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai không phát hiện, ngăn chặn hành vi xây dựng trạm trộn và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh bê tông của Công ty Cổ phần đầu tư Sông Đà - Việt Đức.
Tháng 10/2017 đến tháng 1/2018, phường ban hành quyết định, lập phương án cưỡng chế nhưng tổ chức thiếu quyết liệt, các vi phạm vẫn tồn tại. Đối với Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, hành vi vi phạm pháp luật về đê điều của công ty này diễn ra từ năm 2010 đến tháng 8/2017 không bị UBND quận kiểm tra, xử lý.
Sau đó, quận có ban hành kế hoạch và phân công nhiệm vụ để giải quyết, giải tỏa vi phạm nhưng việc chỉ đạo thiếu kiên quyết, các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ chưa làm hết trách nhiệm.
Đối với Công ty TNHH Việt Anh, từ năm 2015 - 2018 UBND xã Dương Hà (huyện Gia Lâm) không kịp thời ngăn chặn, không xử lập xử hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định, không báo cáo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, xử lý theo thẩm quyền vi phạm đối với công ty. Năm 2016, địa phương này thanh lý hợp đồng với công ty.
Dù đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trên đất nhưng không tổ chức cưỡng chế, thu hồi theo quy định, vẫn để công ty sử dụng. Đối với huyện Gia Lâm, từ năm 2016, UBND TP.Hà Nội có văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm nêu trên, giao cho chủ tịch huyện kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân cho thuê đất, sử dụng không đúng quy định.
UBND xã Thống Nhất và Vạn Điểm có phối hợp với Hạt quản lý đê Thường Tín lập biên bản vi phạm pháp luật về đê điều đối với Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Hoàng Gia nhưng không thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, không báo cáo các vi phạm thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND huyện Thường Tín.
Huyện Thường Tín đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều đối với công ty năm 2011 và 2015. Từ năm 2016, các xã Thống Nhất, Vạn Điểm, Chi cục đê điều có văn bản đề nghị huyện Thường Tín xử lý vi phạm của Công ty CP thương mại và sản xuất Hoàng Gia nhưng huyện không chỉ đạo xử lý, thiếu trách nhiệm.
Năm 2010 đến năm 2017, xã Ninh Sở có phối hợp với Hạt quản lý đê Thường Tín và Đội thanh tra xây dựng lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đối với Công ty cổ phần chế tạo máy Hồng Hà nhưng không thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, không báo cáo các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND huyện Thường Tín.
Còn đối với huyện, khi tiếp nhận biên bản xử lý vi phạm và báo cáo của Hạt quản lý đê Thường Tín nhưng huyện không kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các hành vi vi phạm của công ty. Năm 2010 đến năm 2018, huyện có ban hành các văn bản chỉ đạo xã Ninh Sở xử lý vi phạm nhưng không có biện pháp, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo xử lý. Từ năm 2019, 2020, huyện không chỉ đạo đối với vi phạm của Công ty chế tạo máy Hồng Hà.
Năm 2014, UBND xã Ninh Sở ký hợp đồng cho ông Phạm Văn Bảy và ông Bùi Cao Khả thuê đất nông nghiệp thuộc hành vi bảo vệ đê điều, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng với quy định.
Đối với ông Bảy và ông Khả năm 2010, xã Ninh Sở không ngăn chăn, xử lý người vi phạm đối với ông Bảy và không báo cáo huyện Thường Tín. Huyện Thường Tín không phát hiện, ngăn chăn, xử lý việc UBND xã Ninh Sở cho ông Bảy và ông Khả thuê đất nhưng không thông qua đấu giá sử dụng. Trách nhiệm thuộc Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay dọc sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều vi phạm hành lang, không gian thoát lũ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng, đổ phế thải, tập kết cát sỏi, trồng cây… trong hành lang thoát lũ. Điều đáng nói, vi phạm rõ mười mươi và tồn tại từ năm này qua năm khác, nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.