Hành trình lật mặt kẻ khiến cá chết hàng loạt (2)

Hạ Anh Thứ ba, ngày 26/04/2016 10:00 AM (GMT+7)
Sau khi những kết luận y tế được công bố, Chisso đã kiểm soát hệ thống xả thải của mình chặt chẽ hơn để làm chệch hướng những lời chỉ trích. Cụ thể, Chisso đã bí mật thay đổi các tuyến đường nước thải như nó vốn có từ đầu.
Bình luận 0

Kỳ 2: Che dấu tội ác và 10 năm im lặng

Thậm chí sau khi công ty Chisso biết rõ chính những nước thải của công ty họ gây nên căn bệnh Minamata, nhưng công ty vẫn không ngừng quá trình sản xuất của mình.

Từ tháng 9.1958, Chisso đã bí mật thay đổi các tuyến đường nước thải như nó vốn có từ đầu, thay vì xả chất thải vào Hyakken Harbour (trọng tâm của cuộc điều tra và nguồn gây ô nhiễm ban đầu), nó xả nước thải trực tiếp vào sông Minamata.

img

Chisso đã bí mật thay đổi đường đi của ống xả thải sau khi bị phát hiện gây ô nhiễm.

Hậu quả trước mắt là gây ra cái chết cho hàng triệu con cá ở cửa sông, và từ thời điểm đó, các nạn nhân bệnh Minamata mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong các làng chài khác.

Chisso đã không hợp tác với nhóm điều tra từ Đại học Kumamoto, đồng nghĩa với việc họ giữ kín các thông tin về các quy trình công nghiệp, để mặc cho các nhà nghiên cứu suy đoán nhà máy đã sản xuất những sản phẩm như thế nào, bằng phương pháp gì.

Tháng 7.1959, Giám đốc Bệnh viện nhà máy Chisso, Hajime Hosokawa đã thành lập một phòng thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu riêng của mình  về bệnh Minamata. Nước thải của nhà máy đã được trộn lẫn với thức ăn cho mèo khoẻ mạnh. Sau 78 ngày thử nghiệm, mèo đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh Minamata và khám bệnh lý đã chuẩn đoán, mèo bị ngộ độc thuỷ ngân hữu cơ.

Công ty đã không hề tiết lộ kết quả cho những nhà điều tra, đồng thời ra lệnh Hosokawa ngừng ngay nghiên cứu của ông.

Trong một nỗ lực để phủ nhận lý thuyết các nhà nghiên cứu trường đại học Kumamoto, Chisso và các bên khác có quyền lợi như Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp, Hiệp hội hóa học công nghiệp Nhật Bản đã cho ra những nghiên cứu để chứng minh căn bệnh Minamata có các nguyên nhân khác nhay, khác với chất thải của Chisso.

10 năm im lặng…

Ngày 21.10.1959, Chisso đã được lệnh của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp để chuyển hệ thống thoát nước thải ra sông Minamata và tăng tốc độ lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy. Chisso lắp đặt một hệ thống lọc Cyclator vào ngày 19.12.1959, và làm một buổi lễ đặc biệt để ra mắt.

Chủ tịch của Chisso là ông Kiichi Yoshioka uống một cốc nước được cho là đã xử lý thông qua hệ thống lọc Cyclator để chứng minh rằng nó đã được an toàn. Nhưng thực tế tại thời điểm đó, nghiên cứu riêng biệt của Chisso trên mèo vẫn lấy nước thải của nhà máy cho thấy, hệ thống lọc Cyclator không hề hiệu quả.

img

Các bể lọc được lắp đặt như là một giải pháp xã hội để đối phó với những chỉ trích đã không làm gì để loại bỏ thủy ngân hữu cơ.

Sự lừa dối của Chisso đã thành công và gần như tất cả các bên liên quan đến bệnh Minamata đã bị lừa khi tin rằng nước thải của nhà máy đã được thực hiện an toàn từ tháng 12.1959 trở đi.

Sự lừa dối này diễn ra êm ả cho đến năm 1969, mà người ta vẫn gọi là “ 10 năm im lặng”. Nhưng thực tế, trong thời gian này, những đứa trẻ được sinh ra đã có các triệu chứng của căn bệnh Minamata. Các nghiên cứu đã phát hiện, trong quá trình mang thai, khi người mẹ ăn phải những con cá nhiễm độc, vẫn sinh ra những đứa trẻ bị bệnh Minamata.

Năm 1969, một nhóm các nạn nhân Minamata đã đệ đơn kiện chống lại Chisso. Phiên tòa kéo dài gần bốn năm. Tòa án cuối cùng phán quyết có lợi của nguyên đơn và ra lệnh Chisso phải bồi thường cho các nạn nhân. Vì số lượng các nạn nhân tiếp tục tăng, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một quá trình cấp giấy chứng nhận theo đó người dân mắc bệnh phải có xác nhận chính thức.

img

Một cựu chủ tịch của Chisso và một giám sát của nhà máy ở Minamata phải đối mặt tố tụng hình sự năm 1979 vì gây ra cái chết và gây thương tích nghiêm trọng. Năm 1979, họ bị kết án hai năm tù.

Năm 1995, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất một kế hoạch giải quyết cho những người đã không được chứng nhận mắc bệnh Minamata đổi lại họ không tham gia vào các vụ kiện tụng liên quan. Nhiều nạn nhân chấp nhận giải quyết này. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng chục ngàn người khác đang khó nhọc trong hành trình tìm kiếm công lý.

Trong những năm 1975 và về sau này, việc quản lý của Chisso gặp khó khăn chính vì vậy, tỉnh Kumamoto cũng đã phải giúp đỡ công ty Chisso bồi thường thiệt hại từ vốn cho vay của tỉnh trong giai đoạn từ 1978-2000. Tổng cộng Chisso phải bồi thường số tiền là 260 tỉ yên, chính vì vậy Chính phủ Nhật cũng phải ra tay giúp Chisso trả dần số tiền trên từ tháng 2.2002 cho đến khi tự Chisso có thể trả được số tiền nợ trên. Chisso vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc trả phí tổn điều trị cho bệnh nhân Minamata và những thiệt hại cho đời sống của họ.

Hết!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem