Hành xử 'tệ' với tiền có thể bị phạt tù

Thứ hai, ngày 17/10/2022 10:11 AM (GMT+7)
Người nào cắt, đốt, xé… tiền trái pháp luật có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.
Bình luận 0

Ném, rải tiền thật ra đường, đốt tiền không còn là việc hiếm gặp, nhất là trong những dịp như rằm tháng 7 hay những ngày cúng cô hồn… Nhiều người thắc mắc, việc hành xử với tiền thật như vậy được phép hay không?

Trao đổi với PLO về vấn đề này, Ths Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết tiền là một loại tài sản đặc biệt bởi tiền không chỉ là thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức mà còn là hình ảnh đại diện cho quốc gia, thể hiện chủ quyền của quốc gia trên lãnh thổ của mình. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể để bảo vệ tiền tệ, trong đó có quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi "hủy hoại tiền".

Cụ thể, khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định nghiêm cấm "Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào". Khoản 2 Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 cũng quy định nghiêm cấm "Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật". Vì vậy hành vi "hủy hoại tiền trái pháp luật" có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Hành xử 'tệ' với tiền có thể bị đi tù - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM

Ở góc độ xử phạt hành chính, hành vi "hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật" sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, từ 20- 30 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm theo khoản 3 Điều 31 Nghị định số 88/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021).

Trong trường hợp hủy hoại tiền thuộc sở hữu của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì chủ thể thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên, theo ThS Khanh hiện nay không có quy định nào giải thích thế nào được xem là "hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật". Ở góc độ ngôn ngữ, "hủy hoại tiền" có thể hiểu là hành vi cố ý làm cho tiền mất giá trị sử dụng ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục lại được như xé, cắt, đốt... Vì vậy, để tránh bị phạt, cá nhân tổ chức cần lưu ý các quy định phạt nêu trên.

Ngoài ra, tình trạng "ném tiền thật bừa bãi" hiện nay diễn ra khá phổ biến, diễn ra ở nhiều nơi với các lý do khác nhau như rải tiền cầu lộc, cúng cô hồn...

"Để ngăn chặn tình trạng này, tôi cho rằng Chính phủ cần bổ sung quy định về xử phạt đối với hành vi "rải, ném, vứt tiền Việt Nam không đúng quy định" để có cơ sở pháp lý thuyết phục khi xử phạt hành vi này. Khi quy định này được ban hành thì chỉ cần cá nhân thực hiện hành vi "ném tiền không đúng quy định" là đã có thể xử phạt mà không cần quan tâm đến hậu quả tiền có bị "hủy hoại" hay không", Ths Khanh đề xuất.


Q.Linh (Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem