Hạt gạo sạch và nỗi run sợ trước cái bẩn

Đức Hoàng Thứ hai, ngày 25/01/2016 06:30 AM (GMT+7)
Có phải là chúng ta đang dồn quá nhiều năng lượng cho việc lên án cái “bẩn”, run rẩy và sợ hãi trước nó?
Bình luận 0

Những ngày gần Tết, “thực phẩm bẩn” trở thành một chủ đề nóng. Nơi nơi là những lên án, trăn trở, hoài nghi về thực phẩm không rõ nguồn gốc và độ an toàn. Nhưng câu hỏi đặt ra: thế thái độ với thực phẩm sạch thì thế nào?

Hãy bắt đầu bằng câu chuyện của Võ Văn Tiếng. Đó là một chàng trai 20 tuổi, hoàn toàn vô danh ở tỉnh Đồng Tháp. Cậu bị đánh giá là… gàn dở. Gia đình đã nhiều đời trồng lúa với năng suất lớn, nhưng Tiếng bỗng một ngày nói với cha: “Lúa của ba không phải thực phẩm”.

Thứ lúa mà tất cả những người xung quanh, gồm cả gia đình, đang trồng và đang ăn, với Tiếng chỉ toàn là gạo ngậm hóa chất. Trong đầu cậu nghĩ, với từng đó hóa chất và phân bón trong phương thức canh tác hiện nay, đó không thể là thứ tốt cho sức khỏe con người. Cậu còn nghĩ, tại sao mà người Việt ngày càng bị ung thư nhiều hơn? Phải chăng là tại hạt gạo ăn mỗi ngày?

Tiếng quyết định sẽ làm ra hạt gạo sạch. Chỉ có người mẹ thương con cho mượn 2 héc-ta của bà để cậu thử nghiệm ý tưởng “điên rồ” của mình. Tiếng muốn trồng lúa mà không có phân bón, không có thuốc trừ sâu, hoàn toàn là tự nhiên. Tất nhiên là canh tác kiểu ấy thì không lấy đâu ra năng suất cao. Năng suất trên ruộng của Tiếng chỉ bằng 60% các cánh đồng xung quanh. Giá bán thì cao hơn, nên bán rất chậm. Đến khi gần xong vụ thứ hai, Tiếng mới túc tắc bán cho bạn bè người thân, rồi qua truyền miệng, được hết gạo ở vụ thứ nhất.

Tiếng gọi gạo của mình là gạo “Tâm Việt” – tức là tấm lòng người Việt, hay là cho người Việt. Gạo đóng trong bao sơ sài, cũng chẳng ai giúp làm thương hiệu, truyền thông. Cậu cứ loay hoay một mình với cái ý tưởng “gàn dở” ấy.

img

Chàng trai Võ Văn Tiếng và cây lúa trồng trên thửa ruộng "Tâm Việt".

Tôi là một trong những người làm báo đầu tiên hỏi Tiếng cặn kẽ câu chuyện. Cho dù chưa thể kiểm định chất lượng hạt gạo “Tâm Việt” ấy, thì dưới góc độ truyền thông, đấy cũng là một câu chuyện hay, về lý tưởng của một chàng thanh niên hoàn toàn có thể sống khỏe, sống tốt với cả chục héc-ta của gia đình bằng phương thức canh tác truyền thống, nhưng lại dám nói thẳng vào mặt ông già: “Gạo của ba không phải là thực phẩm”.

Tôi tự hỏi rằng tại sao những câu chuyện như thế không thể lan truyền. Tiếng có thể không phải là một kỳ nhân thay đổi được xã hội nông nghiệp, nhưng ít ra cậu xứng đáng bán được chỗ gạo ít ỏi của mình một cách nhanh chóng hơn.

Có phải là chúng ta đang dồn quá nhiều năng lượng cho việc lên án cái “bẩn”, run rẩy và sợ hãi trước nó, báo chí và trong trí não, trong những câu chuyện vỉa hè, cơ quan, tràn ngập nỗi sợ và lòng căm hận thực phẩm bẩn. Còn cách tốt nhất để chống lại cái “bẩn”, chính là quảng bá cho cái “sạch”, thì lại bị lãng quên?

Có một lần, tôi ngồi trong trường quay của kênh VTC14 trong một chương trình nói về nông nghiệp. Trên màn hình, một người nông dân trồng rau uất ức nói vào camera của phóng viên. Chị uất ức, trước những tin đồn, rằng cây bắp cải trồng xuống bón thuốc vào mấy ngày sau là thu hoạch được. Chị làm sao làm thế được? Chị cũng phải vất vả một nắng hai sương mới làm ra được cây bắp cải. Giọng chị run run, nhìn thấy rõ sự uất ức mà chị dành cho cái gọi là “dư luận” làm hại người trồng rau như chị, hay là dành cho cả báo chí nữa.

MC chương trình mời tôi bình luận về đoạn phóng sự đó, và tôi đã kể câu chuyện của Võ Văn Tiếng. Khi chúng ta dành quá nhiều năng lượng để bàn về cái ác, cái bẩn, cái đen tối, thì có thể là chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cái tử tế, cái tốt, thậm chí là giết chết chúng đi trong một luồng xoáy “dư luận” đầy những ác cảm. Việc lên án tất nhiên cũng cần, nhưng không phải là tất cả.

Hàng ngày, mở mạng ra, bạn cũng như tôi sẽ bắt gặp rất nhiều “câu chuyện cảnh giác” về thực phẩm. Và lúc đó, bạn hay tự hỏi rằng thế những câu chuyện về thực phẩm sạch ở đâu? Mình có thể chia sẻ được điều gì tốt cho xã hội không, hay chúng ta sẽ lại dồn năng lượng cho cái ác. Thái độ đó, tất nhiên không chỉ dành riêng cho vấn đề thực phẩm hay nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem