Hàu răng cưa khổng lồ là con gì mà ở đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị đang phải gấp rút bảo vệ, bảo tồn?
Hàu răng cưa khổng lồ là con gì mà ở đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị đang phải gấp rút bảo vệ, bảo tồn?
Thứ tư, ngày 01/06/2022 07:00 AM (GMT+7)
Hàu răng cưa khổng lồ là một trong những sản phẩm hải sản đặc trưng của đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển du lịch, lượng du khách đến với đảo Cồn Cỏ ngày càng nhiều dẫn đến tốc độ khai thác hàu răng cưa khổng lồ quá nhanh và không có sự kiểm soát.
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo thu nhập cho người dân sinh sống trên đảo, Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã triển khai đề tài Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ.
Sản lượng khai thác hàu khổng lồ giảm mạnh
Ngư dân Lê Văn Tuấn, một thợ lặn chuyên khai thác hàu răng cưa khổng lồ ở đảo Cồn Cỏ cho biết, nếu như thời điểm năm 2017, bình quân mỗi ngày anh khai thác được khoảng 150 con hàu răng cưa thì hiện nay chỉ còn từ 80 - 100 con.
Độ sâu khai thác hàu răng cưa khổng lồ từ 10 - 15 m nay đã lên tới 30 - 40 m. Theo anh Tuấn, nguyên nhân loài hàu răng cưa giảm sút là do chưa có quy định kích cỡ, số lượng được khai thác mỗi ngày nên ngư dân mạnh ai nấy làm.
Ngoài ngư dân trên đảo còn có thuyền của ngư dân thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tàu lặn của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tham gia lặn bắt hàu răng cưa khổng lồ mang về bờ.
“Chỉ tính riêng trên đảo Cồn Cỏ hiện đã có 3 thuyền thường xuyên khai thác hàu răng cưa khổng lồ ở khu vực đảo, khi khách du lịch nhiều thì tăng lên 5 - 7 thuyền. Bình quân mỗi thuyền khai thác từ 150 - 200 con hàu mỗi ngày”, anh Tuấn cho hay.
Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có tổng diện tích 4.532 ha, bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 534 ha, phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha và phân khu phát triển 2.376 ha. Ngoài ra còn có vùng phát triển cộng đồng 230 ha (là diện tích nổi của đảo) và vành đai khu bảo tồn.
Đây là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô, rong cỏ biển và các loài cá.
Qua điều tra khảo sát tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã ghi nhận được tổng cộng 953 loài sinh vật biển, bao gồm: 133 loài thực vật phù du; 97 loài động vật phù du; 136 loài san hô (gồm 113 loài san hô cứng, 23 loài san hô mềm); 182 loài cá rạn san hô; 302 loài động vật đáy (gồm 186 loài động vật thân mềm, 49 loài động vật da gai, 48 loài động vật chân khớp, 19 loài động vật giun đốt); 96 loài rong biển; 1 loài cỏ biển và 6 loài thực vật ngập mặn.
Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, hàu răng cưa, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực, san hô sừng…
Anh Ngô Văn Phong, một cư dân trên đảo cho biết, vào mùa du lịch, số lượng tiêu thụ hàu răng cưa vào dịp cuối tuần từ vài trăm con đến cả nghìn con do khách du lịch vừa sử dụng tại chỗ, vừa mua mang về làm quà.
Điều đáng nói là do chưa có quy định về kích cỡ hàu răng cưa nên ngư dân đang khai thác hàu răng cưa một cách quá mức dẫn đến số lượng hàu trên đảo có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng.
“Trước đây ngư dân trên đảo chỉ cần lặn xuống khoảng vài mét nước, khu vực có rạn san hô là đã thấy có hàu răng cưa khổng lồ. Nhưng nay để khai thác được phải lặn xuống hàng chục mét nước, ngâm mình dưới đáy biển nhiều giờ đồng hồ nhưng nhiều lắm mỗi người cũng chỉ khai thác được khoảng 20 - 30 con”, anh Phong cho biết thêm.
Theo thống kê của BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, từ năm 2017 đến nay, lượng du khách đến với Cồn Cỏ ngày càng nhiều, kéo theo sự phát triển dịch vụ du lịch tăng theo, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ các loài hải sản ngày càng lớn.
Điển hình trong số các loài hải sản tiêu thụ nhiều tại đảo là loài hàu răng cưa khổng lồ. Theo chia sẻ của các du khách, việc được thưởng thức món hàu này khi du lịch tại đảo Cồn Cỏ là một trải nghiệm đáng nhớ.
Theo một số du khách, đến du lịch tại đảo Cồn Cỏ mà chưa ăn hàu răng cưa khổng lồ thì xem như chưa đến nơi này. Thạc sĩ Trương Hữu Thư, cán bộ BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết, hàu răng cưa khổng lồ là một loài nhuyễn thể có kích thước lớn (đường kính từ 20 cm trở lên), trọng lượng cả vỏ từ 1,5 kg trở lên, riêng phần thịt hàu khoảng 0,1 kg.
Để đạt đến kích thước và trọng lượng như vậy thì hàu răng cưa phải mất hàng chục năm. Do đặc điểm có một phần vỏ bám vào các rạn san hô nên để khai thác hàu răng cưa, ngư dân phải lặn xuống biển có ống dẫn khí ở độ sâu từ 10 - 20 m nước trở lên, dùng xà beng để cạy hàu ra khỏi rạn san hô.
Việc này dẫn đến ngoài làm suy giảm nguồn lợi loài hàu nói riêng còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rạn đá quanh đảo là môi trường sinh sống của nhiều loài sinh vật trong Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
Bảo tồn để khai thác bền vững
Theo thạc sĩ Trương Hữu Thư, trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung, kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho ngư dân vùng biển.
Tuy nhiên, từ đây đặt ra những vấn đề tác động tiêu cực lên môi trường biển, nhiều giống loài, sinh cảnh biển, nhiều loài quý hiếm, đặc trưng hoặc có giá trị kinh tế cao trên vùng biển của tỉnh nói chung, trong Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ nói riêng đang dần bị suy giảm. Điển hình là loài hàu răng cưa khổng lồ đặc hữu của đảo Cồn Cỏ đang trong tình trạng khai thác quá mức, không có sự kiểm soát.
Mặc dù UBND huyện đảo Cồn Cỏ, BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã có quy chế cấm hoặc hạn chế các hoạt động đánh bắt trong các phân khu thuộc Khu Bảo tồn biển nhưng do giá trị kinh tế khá cao, lên đến 300.000 - 350.000 đồng/kg thịt hàu nên tình trạng khai thác lén lút vẫn diễn ra.
Do vậy, để bảo vệ, quản lý và khai thác một cách bền vững, tránh lãng phí nguồn lợi từ loài đặc sản đặc hữu của đảo Cồn Cỏ, BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đang triển khai đề tài Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ.
Đây còn là cơ sở khoa học nhằm góp phần phát triển đối tượng nuôi biển mới tại đảo Cồn Cỏ, tạo sinh kế cho các hộ dân - thanh niên xung phong trên đảo và xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch nổi tiếng không nơi nào có tại đảo Cồn Cỏ trong tương lai.
Thạc sĩ Trương Hữu Thư cho biết thêm, đề tài sẽ thực hiện một số nội dung gồm nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố và hiện trạng nguồn lợi, khả năng khai thác bền vững, bản đồ khoanh vùng bảo tồn và vùng khai thác của loài hàu răng cưa khổng lồ ở vùng biển đảo Cồn Cỏ; thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo để duy trì và bổ sung nguồn giống tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; nghiên cứu, thử nghiệm mô hình nuôi hàu răng cưa khổng lồ trên bãi tự nhiên quanh đảo dựa trên sự đồng quản lý của Khu Bảo tồn biển và người dân để phục vụ phát triển du lịch tại đảo Cồn Cỏ.
Đồng thời đề xuất một số giải pháp như quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi hàu răng cưa trên cơ sở đồng quản lý Khu Bảo tồn biển và người dân; đề xuất mùa vụ, kích thước và số lượng cá thể khai thác loài hàu răng cưa khổng lồ; hướng dẫn phương thức khai thác hàu hợp lý nhằm góp phần bảo tồn nguồn lợi sinh vật trong vùng biển Cồn Cỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.